Tay không chiếm đất rừng phòng hộ

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 15/1/2004, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Quốc. Phần đất hơn 8,4ha mà bà Ngọc chiếm dụng và xây dựng nhà kiên cố nằm trong diện tích hơn 35ha đất rừng phòng hộ thuộc quyền sử dụng, khai thác của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Quốc.

Khi UBND xã Hàm Ninh tiến hành kiểm tra thì bà Ngọc đưa ra một số giấy tờ mua bán với các cá nhân, biên lai thu thuế, hoặc tờ xác nhận có chữ ký của Trưởng Ban nhân dân ấp Bãi Vòng... Tuy nhiên, qua kiểm tra thực địa, xác minh sự việc với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến 8,4ha đất này, UBND xã Hàm Ninh đã phát hiện hàng loạt dấu hiệu vi phạm pháp luật, cố tình làm sai lệch chứng cứ pháp lý, hợp thức hóa thời điểm sử dụng đất, tạo điều kiện tốt nhất cho bà Ngọc bao chiếm trái pháp luật đất rừng phòng hộ.

Theo trình bày của bà Ngọc, số diện tích đất trên được khai phá vào năm 1993. Thế nhưng, phải đến ngày 9/6/1999, mới được ông Nguyễn Đoàn Tựu - Trưởng Ban Nhân dân ấp Bãi Vòng ký, đóng dấu vuông vào đơn xin xác nhận nguồn gốc đất. Ông Tựu thừa nhận với cơ quan chức năng là: Chỉ xác nhận giúp, thời điểm xác nhận ông không đi kiểm tra, không biết gì về nguồn gốc, ranh giới, hiện trạng của khu đất mà bà Ngọc làm đơn xin xác nhận.

Căn cứ kết quả xác minh vụ việc, UBND xã Hàm Ninh kết luận: Bà Ngọc không có các giấy tờ pháp lý để chứng minh sự hợp pháp của mình về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai, không có quá trình sử dụng đất trước năm 2008. Việc cán bộ cấp cơ sở như Trưởng Ban nhân dân ấp Rạch Hàm, ấp Bãi Vòng, xác nhận nguồn gốc đất đai cho bà Ngọc là đã buông lỏng công tác quản lý, làm cho tình hình quản lý đất đai của xã Hàm Ninh ngày càng phức tạp.

Lập lờ pháp lý đất rừng 

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập phân tích sâu về loại đất mà bà Ngọc đang bao chiếm, xây dựng nhà ở kiên cố là đất rừng phòng hộ, là vì có một số cán bộ của một số cơ quan chức năng huyện Phú Quốc vẫn hiểu chưa đúng về quy định pháp luật liên quan đến biến động đất rừng phòng hộ, đất nông nghiệp, nên đã có những thông tin nước đôi làm cho người dân hiểu sai về hiện trạng bao chiếm đất rừng phòng hộ, đất do Nhà nước quản lý tại xã Hàm Ninh. Đây cũng là điều mà bà Ngọc đã nhiều lần viện dẫn để cho rằng diện tích hơn 8,4ha không phải là đất rừng phòng hộ.

Về pháp lý, ngày 18/6/1998, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký Quyết định số 2163/QĐ-UB về giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 33.307,82 (ha hay m2 đây nhỉ) đất cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng Phú Quốc. Điều đáng nói là toàn bộ diện tích hơn 8,4ha đất mà bà Ngọc đang tự cho là đất của bà và không liên quan đến đất rừng phòng hộ, thì trước thời điểm tháng 6/1998, số diện tích trên theo chứng nhận trên giấy tờ đã là đất rừng phòng hộ của Nhà nước.

Được biết, ngày 15/1/2004, Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc đã ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, gây trồng rừng cho Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc, thời điểm này hơn 8,4ha đất vẫn được xác định là đất rừng phòng hộ đầu nguồn nước.

Với lý do phát triển du lịch, ngày 31/12/2008, UBND tỉnh Kiên Giang công bố quy hoạch xây dựng sân golf Bãi Vòng, trong đó có diện tích hơn 8,4ha đất rừng phòng hộ. Ngày 12/5/2009, UBND huyện Phú Quốc ban hành Thông báo số 113/TB-UBND về thu hồi đất cho sân golf Bãi Vòng. Tiếp đó, lấy lý do Quyết định 633/QĐ-TTg đã điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất của đảo Phú Quốc, ngày 14/12/2012, ông Lâm Hoàng Sa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã ký Quyết định số 2597/QĐ-UBND về thu hồi hơn 1.000ha đất rừng thuộc quyền sử dụng của Ban Quản lý rừng phòng hộ Phú Quốc, và giao diện tích đất rừng này cho UBND xã Hàm Ninh quản lý. Viêc làm này đã tạo ra sự hiểu lầm tác động đến nhiều cán bộ và các hộ dân tại xã Hàm Ninh là hơn 1.000ha đất rừng phòng hộ đã trở thành đất nông nghiệp, hoặc đất chuyên dùng.

 

Hàng chục công trình xây dựng kiên cố ngang nhiên tồn tại trên đất rừng phòng hộ như thách thức dư luận.  Ảnh: BD

 

Xét về thẩm quyền, nếu muốn thu hồi từ 50ha đất rừng phòng hộ để giao cho đối tượng khác quản lý thì phải có ý kiến chấp thuận của Quốc hội. Trong trường hợp này, ông Lâm Hoàng Sa, với tư cách Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang không có thẩm quyền ký Quyết định số 2597/QĐ-UBND, với diện tích rừng phòng hộ hơn 1.000ha. Ngoài ra, hành vi này của ông Lâm Hoàng Sa cũng đi ngược lại Nghị quyết số 49/2010/QH12 ngày 19/6/2010 quy định về các dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Đó là tại mục b, Khoản 2 của Nghị quyết số 49/2010/QH12, đã quy định rõ thẩm quyền của Quốc hội đối với dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu rừng nghiên cứu, thực nghiệm khoa học từ 50ha trở lên, rừng phòng hộ đầu nguồn từ 50ha trở lên, rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay, chắn sóng lấn biển, bảo vệ môi trường từ 500ha trở lên, rừng sản xuất từ 1.000ha trở lên.

Nói một cách khác thì toàn bộ diện tích hơn 35ha đất mà Ban Chỉ huy quân sự huyện Phú Quốc được giao để quản lý, trong đó có hơn 8,4ha đất đang bị bà Ngọc bao chiếm, xây dựng công trình không phép, vẫn là đất rừng phòng hộ. Vì vậy, các quyết định xử phạt hành chính, cưỡng chế tháo dỡ các công trình trên đất rừng phòng hộ phải được UBND huyện Phú Quốc thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ rừng. Nếu qua kiểm tra phát hiện đủ yếu tố để khởi tố thì UBND huyện Phú Quốc cần chuyển hồ sơ cho Công an huyện Phú Quốc tiến hành điều tra theo quy định.

Một điều đang khiến dư luận bức xúc là ngày 3/12/2015, ông Trần Thái Bình, Chủ tịch UBND xã Hàm Ninh đã ký Quyết định số 211/QĐ-XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Ngọc, nhưng sau đó đất rừng phòng hộ vẫn bị bao chiếm, hàng chục công trình xây dựng kiên cố vẫn ngang nhiên mọc lên trên phần đất rừng phòng hộ này như thách thức dư luận.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục phản ánh sự việc này trên các bài viết tiếp theo.

Bao Dung