Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 6/3/2017, Chánh án TAND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 88/QĐ-TCCB về việc biệt phái đối với ông Hoàng Ngọc Tuấn, sinh năm 1974, là thẩm phán sơ cấp TAND TP Thanh Hóa về công tác và thực hiện nhiệm vụ xét xử tại TAND huyện Tĩnh Gia, thời gian biệt phái là 1 năm, kể từ ngày 3/4/2017. Trong thời gian biệt phái, các khoản lương, phụ cấp của ông Tuấn do TAND TP Thanh Hóa chi trả, được hỗ trợ kinh phí biệt phái và các quyền lợi khác theo quy định.

Trong quá trình chưa hết nhiệm vụ biệt phái, thẩm phán sơ cấp Hoàng Ngọc Tuấn được cấp trên “cất nhắc” làm quy trình bổ nhiệm đưa về làm Phó Chánh án TAND huyện Hà Trung. Trong các bước làm quy trình bổ nhiệm, có bước lấy phiếu tín nhiệm diễn ra ở TAND huyện Tĩnh Gia (nơi ông Tuấn được biệt phái) sau đó có nhiều ý kiến dị nghị, thắc mắc không biết việc lấy phiếu tín nhiệm để bổ nhiệm này là đúng hay sai?

Quyết định biệt phái đối với ông Hoàng Ngọc Tuấn, thẩm phán sơ cấp TP Thanh Hóa. Ảnh: VT

Bởi vì, thực tế ông Tuấn nhận nhiệm vụ biệt phái từ ngày 3/4/2017 thì đến ngày 25/12/2017, TAND Tối cao đã có Quyết định số 1877/QĐ-TCCB bổ nhiệm ông Tuấn giữ chức vụ Phó Chánh án TAND huyện Hà Trung. 

Như vậy, thời gian ông Tuấn biệt phái mới chỉ là 7 tháng, đó là chưa kể thời điểm làm quy trình bổ nhiệm trước đó. Với thời gian ngắn ngủi này, cơ quan mới chưa tổng kết, đánh giá về quá trình công tác của ông Tuấn xem năng lực, sở trường khi được biệt phái có phát huy được hay không? Theo quy định thì cứ hết một năm công tác thì cán bộ, công chức mới có phiếu đánh giá, nhận xét về quá trình công tác của mình để lãnh đạo cơ quan đánh giá, công nhận hoàn thành nhiệm vụ hay không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo một vị lãnh đạo từng công tác tại TAND huyện Tĩnh Gia: Việc lấy phiếu tín nhiệm tại TAND huyện Tĩnh Gia là không đúng, bởi ông Tuấn chỉ là cán bộ biệt phái, chứ không phải là cán bộ công tác lâu năm tại tòa, lại mới chỉ về đây có mấy tháng thì TAND huyện Tĩnh Gia không thể hiểu được đạo đức, lối sống, nghiệp vụ của cán bộ này như thế nào. Lẽ ra việc lấy phiếu tín nhiệm bổ nhiệm này phải diễn ra ở TAND TP Thanh Hóa mới đúng. Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, ông Tuấn được bổ nhiệm làm Phó Chánh án TAND huyện Hà Trung rồi không thấy quay trở lại đây nữa. Ngày đó, ông Tuấn chỉ chuyển Đảng tạm thời về đây sinh hoạt thôi, lương ông ấy hưởng ở TAND TP Thanh Hóa, còn chúng tôi chỉ phải chi trả tiền thuê nhà ở theo quy định, mặc dù đã bố trí chỗ ở cho ông ấy ở cơ quan. 

Quyết định bổ nhiệm đối với ông Hoàng Ngọc Tuấn về giữ chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hà Trung. Ảnh: VT

"Lúc đó, ông Tuấn mới về được mấy tháng, chưa hết năm, chưa phát sinh kiểm điểm nên theo tôi chưa thể đánh giá, nhận xét, lấy phiếu tín nhiệm ở TAND Tĩnh Gia được. Bởi vì ông này không phải công tác ở đây mà chỉ là cán bộ biệt phái để giúp về mặt chuyên môn, về Đảng chỉ sinh hoạt tạm thời ở đây. Còn việc cấp trên chỉ đạo lấy phiếu tín nhiệm cho ông Tuấn ở TAND huyện Tĩnh Gia thì ở đây phải thực hiện thôi. Theo quan điểm cá nhân tôi, về quy trình bổ nhiệm, nếu ông Tuấn công tác hết năm biệt phái, sau đó có nhận xét, đánh giá ở đây làm tốt hay không tốt. Sau đó, nếu lấy phiếu tín nhiệm tại đây thì cho bổ nhiệm tại TAND huyện Tĩnh Gia thì đúng quy trình hơn”, vị cán bộ này nói.

Để có thông tin đa chiều, phóng viên Báo Thanh tra đã liên hệ với ông Hoàng Ngọc Tuấn, Phó Chánh án TAND huyện Hà Trung để xác minh sự việc, tuy nhiên, ông này không nhấc máy điện thoại.

Nhiều người dân có ý kiến thắc mắc về việc lấy phiếu tín nhiệm “nơi biệt phái” đối với trường hợp bổ nhiệm thẩm phán Hoàng Ngọc Tuấn giữ chức vụ Phó Chánh án TAND huyện Hà Trung là đúng hay sai? Câu hỏi này xin gửi về Tòa án Tối cao kiểm tra, xác minh.

 Văn Thanh