Đó là một phần câu chuyện khi chúng tôi xuống xưởng sửa chữa, đóng mới tàu thủy tại thôn Trại Kênh, xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này sang ngạc nhiên khác khi “dạo” quanh xưởng sửa chữa tàu. “Nhà điều hành” mà chúng tôi nhìn thấy chính là nơi sinh sống của vợ chồng, con cái anh Thắng. Hai bên trái, phải nhà là âu tàu. Nhiều đoạn đê đã bị sóng “ngoạm” nham nhở, lồi lõm. Hai đứa trẻ, lớn chừng 8 tuổi, nhỏ khoảng 3-4 tuổi chạy vài bước chân là đến mặt sông...

Tiếp chuyện chúng tôi, Thắng cho biết, con tàu này không phải là tàu trọng tải lớn trong số các tàu xưởng đã làm nên chỉ khoảng chục anh em thợ. Những hôm khác đông anh em thợ hơn. Trung bình xưởng có khoảng 15-20 anh em thợ. Thắng cũng cho biết, thời gian này xưởng không bận lắm vì vừa làm xong con tàu chở khách. Hiện trong xưởng chỉ còn 2 con.

Thắng cũng cho biết, âu tàu này tàu có tải trọng hơn 2.000 tấn cập thoải mái. Xưởng chủ yếu làm cho các anh bên công an đường thủy nên việc cũng tạm ổn và yên tâm. Trả lời câu hỏi liên quan đến các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy, nổ, quản lý chất lượng... theo qui định, Thắng bảo không cần, ở đây chẳng ai hỏi cái đấy cả.

Hỏi về giấy tờ pháp lý của xưởng sửa chữa, đóng tàu, Thắng bảo, em là nhân viên cho ông cậu tên Tùng. Ông cậu có xưởng sửa chữa lớn ngoài thành phố, làm thêm xưởng này rồi giao em trông nom.

Đợi một hồi, Thắng cung cấp cho chúng tôi Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh số 02G8002568 do Phòng Tài chính, kế hoạch huyện An Dương cấp ngày 23/10/2015. Giấy đăng ký này cho thấy, tên hộ kinh doanh là Trần Văn Thắng, địa điểm kinh doanh tại thôn Trại Kênh, xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng. Ngành nghề kinh doanh là sửa chữa, đóng mới tàu thủy.

Pháp lý quan trọng nhất cho xưởng sửa chữa, đóng mới tàu thủy, theo Trần Văn Thắng là Hợp đồng thuê đất số 02/HĐTĐ (tạm gọi là Hợp đồng) ký ngày 14/9/2015 với UBND xã Đại Bản. Hợp đồng do ông Mai Văn Thư, Phó Chủ tịch UBND xã ký. Thắng khẳng định mình “góp vốn” bằng Hợp đồng này để làm xưởng sửa chữa, đóng mới tàu.

Tuy nhiên, những thông tin trên Hợp đồng 02 cho thấy cái tài sản mà Trần Văn Thắng “góp vốn” làm xưởng rất “có vấn đề’. Theo bản Hợp đồng này thì UBND xã Đại Bản cho ông Trần Văn Nghĩa, sinh năm 1960 ở tại thôn Trại Kênh, xã Đại Bản, huyện An Dương, TP Hải Phòng thuê 4.769m2 đất (cùng tại địa chỉ trên) vào mục đích trồng cây hàng năm. Theo trích đo lập ngày 14/9/2015 do chính UBND xã xác nhận thì đây là đất hoang thuộc thửa 03, tờ bản đồ số 02, phía Đông giáp sông Vận Dương. UBND xã cho ông Nghĩa thuê với giá 867 đồng/m2. Thời hạn thuê là 5 năm. Hợp đồng cũng nêu rõ: Việc sử dụng khu đất thuê phải phù hợp với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong Điều 1 của Hợp đồng (trồng cây hàng năm - PV).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Trần Văn Nghĩa là bố đẻ của anh Trần Văn Thắng. Ông Nghĩa đã mất một thời gian. Cũng theo phản ánh của nhiều người dân ở đây, khu đất sát mép sông này chưa bao giờ sản xuất nông nghiệp hay trồng cây... như chúng tôi hỏi. Xưởng sửa chữa, đóng mới tàu thủy đã hoạt động nhiều năm nay, do con của ông Nghĩa trông nom. Có những thời điểm nhiều tàu cùng được sửa chữa. Phần lớn là tàu trọng tải lớn, nên ra vào, neo đậu không ai là không biết.

Theo quan sát của chúng tôi, toàn bộ phần đất để làm xưởng đã được rào dây thép khóa kỹ, bên trong là tường xây. Khá nhiều công nhân ra vào. Xưởng cũng nuôi khá nhiều chó để bảo vệ. Sự bảo vệ cẩn mật và khá kiên cố cho thấy, đây không phải là xưởng mới hoạt động. Việc đầu tư và bảo vệ cơ sở vật chất rất rõ rệt và mang tính lâu dài.

Qui mô là vậy nhưng đối chiếu với các qui định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đóng mới, hoán cải, sửa chữa tàu thủy, xưởng của Thắng không đáp ứng được yêu cầu nào!

Cụ thể: Điều kiện kinh doanh của cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 128/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa với nội dung như sau: Cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi phương tiện thủy nội địa phải thành lập doanh nghiệp hoặc Hợp tác xã theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cơ sở phải có vật chất, trang thiết bị, quy trình công nghệ và năng lực thi công phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện thủy nội địa được sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành. Đồng thời, có nhân lực đáp ứng yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với cơ sở đóng mới, hoán cải, sửa chữa phục hồi các loại phương tiện có sức chở từ 50 người trở lên; phương tiện không có động cơ nhưng có trọng tải toàn phần từ 200 tấn trở lên; phương tiện có động cơ với tổng công suất máy chính từ 135 sức ngựa trở lên; phương tiện chuyên dùng như ụ nổi, bến nổi, thiết bị thi công nổi, nhà nổi, khách sạn nổi, tàu cuốc, tàu hút và các loại phương tiện thủy nội địa khác có chiều dài thiết kế từ 10 m trở lên, phải có tối thiểu 1 người tốt nghiệp đại học chuyên ngành đóng tàu thủy và 1 kỹ sư chuyên ngành máy tàu thủy…

Trước đó, Nghị định số 111/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực đường thủy nội địa có qui định cụ thể các cơ sở kinh doanh phải đáp ứng về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị (Điều 11), điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ (Điều 12) và qui định về điều kiện bảo vệ môi trường (Điều 13). Theo đó, các cơ sở này phải có phương án đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động theo qui định; có đủ điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy, phương án chữa cháy; phải đảm bảo đủ các phương tiện tiếp nhận, thu hồi các chất thải từ tàu để xử lý theo qui định của Công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu gây ra mà Việt Nam là thành viên; có đủ hồ sơ về bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đủ hệ thống thiết bị xử lý chất thải phát sinh…

Như vậy, đối chiếu các qui định pháp luật và trao đổi, xác nhận của chủ hộ kinh doanh Trần Văn Thắng thì xưởng sửa chữa, đóng mới tàu của Thắng không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện pháp luật quy định và có đến “6 không”: Không chính chủ thuê đất, không có hình thức hoạt động đúng theo qui định (doanh nghiệp hay HTX), không đủ điều kiện về trang thiết bị, không có nhân lực chuyên môn, không đạt chuẩn về điều kiện an toàn vệ sinh, phòng chống cháy nổ, không đảm bảo vệ môi trường!

Chưa hết, xưởng tàu này còn có thêm điểm “không” thứ 7, đó là chính quyền sở tại không biết nó vi phạm gì! Ông Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bản ngỡ ngàng hỏi lại phóng viên “thế chỗ đấy có vi phạm gì à các chị, tôi cũng không nắm được”. Chỉ nghe nói có cái hợp đồng anh Thư ký (ông Mai Văn Thư, Phó Chủ tịch xã). Dù trực tiếp phụ trách mảng đất đai nhưng ông Phó Chủ tịch UBND xã Đại Bản không biết thẩm quyền cho thuê đất này thuộc về Chủ tịch UBND huyện; rằng xưởng đang xâm hại đất cơ đê. Ông Cửu càng không lý giải được vì sao bản trích đo mặt bằng sử dụng đất hoang thôn Trại Kênh có “măng séc” văn bản của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (Phòng Tài nguyên và môi trường) nhưng lại do cán bộ địa chính của xã và ông Phó Chủ tịch xã ký, đóng dấu, xác lập. Không biết ông  Thư ký nhầm chỗ hay có chuyện làm giả giấy tờ của Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất? Chuyện ký, đóng dấu quốc huy mập mờ này có nghĩa là “quan xã” muốn làm gì? Tuy nhiên, tất cả những câu hỏi này của chúng tôi đều được ông Phó Chủ tịch UBND xã xin khất, đợi Chủ tịch.

Chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với ông Vũ Văn Trường, Chủ tịch UBND xã Đại Bản để tìm hiểu kỹ những uẩn khúc này. Tuy nhiên, ông Trường thông tin lại là vì mới đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND nên đề nghị cho thời gian để xử lý vụ việc dù bước đầu xác định việc cho thuê đất là trái thẩm quyền.

Chúng tôi sẽ tiếp tục trở lại vụ việc khi có cầu trả lời của UBND huyện An Dương./.

Nhóm PV