Được biết, vào năm 2009, Trung tâm Dạy nghề Măng Đen, huyện Kon Plong, được đầu tư 28,7 tỷ đồng để nâng cấp, mở rộng thành Trung tâm GDNN - GDTX. Trung tâm có quy mô đào tạo hơn 500 học viên, hứa hẹn đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người dân 2 huyện Kon Rẫy và Kon Plong. Về mục đích sử dụng là vậy, nhưng từ khi đi vào hoạt động, Trung tâm chưa một lần đào tạo học viên tại cơ sở này, do đa số các lớp học nghề đều được chuyển đến nhà văn hóa xã, các thôn làng, nơi sinh sống của các học viên.

Mặc dù, không có học viên theo học tại Trung tâm, nhưng Giám đốc Trung tâm cũng như lãnh đạo huyện Kon Plong vẫn xin kinh phí sửa chữa, nâng cấp phòng học với tổng số tiền là 350 triệu đồng. Chưa hết, vào ngày 30/8/2019, ông Phạm Thanh Vận, Giám đốc Trung tâm đã tự ký hợp đồng cho Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tuyết Sơn đóng trên địa bàn huyện Kon Plong thuê lại với giá 40 triệu đồng/năm, thời hạn là 3 năm.

 

Hợp đồng thuê trung tâm giữa ông Vận và đại diện HTX Tuyết Sơn. Ảnh: KN

 

Đại diện của HTX nông nghiệp Tuyết Sơn khẳng định: “HTX thuê lại trung tâm này để nấu tinh dầu và cao sâm dây với số tiền 3 triệu đồng/tháng thời hạn là 3 năm, hết thời hạn thì sẽ ký thuê tiếp. Nếu ai muốn thuê lại thì phải qua HTX, vì mọi công trình đang sửa chữa tại đây là do HTX làm để thuê lại luôn”.

Còn ông Phạm Thanh Vận lý giải: “Trên thực tế, việc ký hợp đồng cho thuê là chỉ có cá nhân tôi (đại diện cho Trung tâm) với HTX nông nghiệp Tuyết Sơn, còn chính quyền huyện không biết. Nguyên nhân cho doanh nghiệp thuê là do anh em cơ quan tham mưu sai, ngay sau đó tôi cũng đã hủy hợp đồng và cho HTX Tuyết Sơn thuê miễn phí. Đến ngày 8/10, tôi đã làm việc với UBND huyện, về phía huyện cũng chỉ đạo tạm dừng mọi hoạt động của HTX nông nghiệp Tuyết Sơn tại trung tâm và chờ chỉ đạo của lãnh đạo huyện”.

 

HTX nông nghiệp Tuyết Sơn vẫn đang hoạt động tại trung tâm GDNN – GDTX huyện. Ảnh: KN

 

Tuy nhiên trên thực tế, ngày 14/10, chúng tôi có mặt tại Trung tâm GDNN–GDTX huyện Kon Plong thì HTX nông nghiệp Tuyết Sơn vẫn đang hoạt động. Cụ thể, tại một căn phòng lớn của Trung tâm có công nhân đang “vận hành” máy móc để chế biến tinh dầu, ngay dưới nền nhà là bao bì, bụi bặm và các loại rễ cây được vứt bừa bãi… theo quy trình chế biến tinh dầu “sạch” của doanh nghiệp này.

Cũng liên quan đến sự việc trên, bà Nguyễn Thị Quyết, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Kon Plong, xác nhận: “Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo huyện đã gửi công văn đến trung tâm giáo dục thường xuyên để mời lãnh đạo đơn vị này lên làm việc, tuy nhiên ông Vận xin nghỉ phép nên chưa làm việc được”.

Như vậy, ông Vận là người tự ý ký hợp đồng đem tài sản của Nhà nước cho doanh nghiệp thuê, rồi lại hủy hợp đồng mà không hề thông qua UBND huyện Kon Plong. Và cũng chính ông Vận sau khi hủy hợp đồng với HTX nông nghiệp Tuyết Sơn lại tự ký quyết định cho doanh nghiệp này mượn mặt bằng của trung tâm để chế biến, chiết xuất tinh dầu với mục đích là: “Quảng bá sản phẩm nông nghiệp, nhằm phát triển kinh tế cho huyện nhà”.

 

Văn bản ông Phạm Thanh Vận tiếp tục cho doanh nghiệp thuê miễn phí. Ảnh: KN

 

Việc ông Vận tự gắn mác cho HTX nông nghiệp Tuyết Sơn “quảng bá sản phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế cho huyện nhà”… thật khó có thể chấp nhận được. Vì, để phát triển kinh tế, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của huyện Kon Plong phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, chứ không phụ thuộc vào một mình HTX nông nghiệp Tuyết Sơn…

Trước sự việc trên, thiết nghĩ Chủ tịch UBND huyện Kon Plong chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, làm rõ, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Khuất Nguyên