Khai thác “lậu” ngay sát nhà lãnh đạo xã

Từ thành phố Buôn Ma Thuột, chúng tôi vượt gần 100km về xã Krông Nô (huyện Lắk) để “tận mục sở thị” tình trạng khai thác cát lậu tràn lan trên dòng sông Krông Nô (còn gọi “sông Cha”), gây bức xúc dư luận suốt một thời gian dài.

Một “thổ địa” dẫn chúng tôi đi dọc theo con đường An toàn khu (ATK) bằng bê tông do Nhà nước đầu tư (theo chương trình đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã ATK), mới hoàn thành nhưng chưa bàn giao và cho biết đây là cung đường chính để vận chuyển cát lậu.

Từ ngã ba đường đi sâu vào các buôn R’Cai A, Đắk R’Mút, Phi Ja A thuộc xã Krông Nô nằm sát bên dòng sông Krông Nô, chúng tôi bắt gặp hàng loạt xe tải nhỏ loại 10 tấn chở đầy cát chạy ầm ầm theo hướng trung tâm xã.

“Các anh để ý, hễ cứ thấy đường ngang đấu nối với đường ATK, có vết hằn bánh xe đi xuống thì đó là bãi cát lậu” – người dẫn đường tiết lộ.

Chúng tôi rẽ vào một con đường ngang xuyên qua buôn Phi Ja A, chạy khoảng hơn 100m là gặp dòng sông Krông Nô. Ngay tại đây, một bãi cát tự phát với hàng trăm mét khối cát được hút lên tập kết. Án ngữ trên bãi cát là một máy xúc chờ xe vào “ăn cát”. Dưới lòng sông, một chiếc bè được kết từ nhiều thùng phuy nhựa, phía trên gắn máy bơm để hút cát.

Tiết lộ từ người dẫn đường, bãi cát không phép này là của vợ chồng ông T. - chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn.

“Trên địa bàn toàn bộ các bãi cát lậu là do doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng hút. Họ đầu tư máy móc, thuê người hút rồi đưa xe vào vận chuyển tập kết tại các bãi ngoài khu vực trung tâm xã để bán cho dân và các dự án” – người dẫn đường cho biết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dọc theo con đường ATK, có một loạt điểm mỏ khai thác cát trái phép bằng bè nổi. Tại buôn Đắk R’Mút có một điểm mỏ; tại buôn R’Cai A có 2 điểm mỏ, một của doanh nghiệp tên K. và mỏ còn lại của vợ chồng bà S. (theo tìm hiểu, điểm khai thác này thực chất là của một doanh nghiệp xây dựng lớn trên địa bàn huyện Lắk).

Các bè hút cát trái phép hoạt động công khai suốt ngày đêm. Khi có đoàn kiểm tra, họ sẽ kéo bè lên bờ, di chuyển máy móc đi nơi khác. Sau kiểm tra, mọi công việc lại trở về như cũ.

Tại buôn R’Cai A, có một điểm khai thác cát trái phép nằm ngay sau lưng nhà ông Y Thị Niê - Chủ tịch UBND xã Krông Nô.

Cách đó khoảng 3km theo con đường ATK chạy sâu vào bên trong, tiếp tục xuất hiện một điểm khai thác cát lậu với quy mô lớn. Theo tìm hiểu, điểm khai thác này mới hoạt động được hơn một tháng và là điểm cuối cùng dọc theo buôn R’Cai A.

Tại đây, doanh nghiệp cho san lấp một con đường xuyên qua rẫy cà phê dài khoảng 100m, rộng chừng 5m. Doanh nghiệp huy động máy xúc bạt đồi, lấy đất lấp xuống lòng sông Krông Nô để tạo bãi tập kết cát.

Bãi tập kết rộng hàng trăm m2, nằm ẩn phía sau quả đồi rất kín đáo. Doanh nghiệp cho dựng lều lán để công nhân ăn, ở tại chỗ, túc trực hút cát ngày đêm.

Thời điểm chúng tôi có mặt, công nhân đang vận hành bè bơm cát lên bãi. Thấy có người lạ, công nhân vận hành bè bơm vội tắt máy, nhảy xuống sông bơi lên bờ.

Vi phạm công khai, sao không bị xử lý?

Tại một điểm khai thác cát trái phép ở buôn R’Cai A, người phụ nữ xưng là chủ mỏ cho biết, vợ chồng bà thuê lại đất rẫy của người dân địa phương để làm bãi tập kết cát.

Cát "lậu" được tập kết thành bãi lớn dọc bên bờ sông Krông Nô. Ảnh: T. Thọ

Theo tiết lộ của người phụ nữ này, cát khai thác đến đâu, các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng và công ty xây dựng trên địa bàn đưa xe vào tận bãi lấy đến đấy. Giá bán chỉ khoảng 70 ngàn đồng/m3, trong khi giá cát trên thị trường hơn 250 ngàn đồng/m3.

Làm việc với ông Y Thị Niê – Chủ tịch UBND xã Krông Nô, vị này xác nhận, nhà ở buôn R’Cai A (gần với một điểm khai thác cát trái phép) và  mới chuyển về buôn sống được vài ba năm nay.

Theo ông Y Thị Niê, xã cũng đã nhiều lần kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát lậu nhưng không thể xử lý dứt điểm.

Chủ tịch UBND xã Krông Nô cho rằng, các bãi cát lậu tồn tại từ trước khi ông về làm lãnh đạo xã, và cá nhân ông cũng đã nhắc nhở nhiều lần.

Ông Nguyễn Văn Vương – Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lắk cho biết, đã nhiều lần kiểm tra, xử lý. Cũng theo vị này, trong cuộc họp thành viên UBND huyện tới đây sẽ báo cáo lãnh đạo huyện để chỉ đạo lập đoàn liên ngành đi kiểm tra, xử lý dứt điểm.

Huyện Lắk là một trong những địa phương “nóng” về tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép của tỉnh Đắk Lắk. Vào tháng 4/2019, trên địa bàn huyện này, Phòng Cảnh sát môi trường Công an Đắk Lắk đã phát hiện và bắt giữ một vụ khai thác cát trái phép được ghi nhận là lớn nhất từ trước tới nay tại tỉnh này (tại thời điểm bắt giữ, lượng cát tập kết trên bãi khoảng 3.500m3).

Tháng 5/2019, Công an tỉnh Đắk Lắk đã mở đợt cao điểm xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Lắk là một trong các địa bàn được quan tâm đặc biệt. Nhiều vụ khai thác, kinh doanh và vận chuyển cát “lậu” bị bắt giữ, xử lý trong đợt cao điểm này.

Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc khai thác cát trái phép là rất lớn so với số tiền bị xử phạt nên các đối tượng khai thác trộm sẵn sàng bất chấp, vi phạm. Bên cạnh đó, sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng (đặc biệt là cấp xã, cấp huyện) cũng là nguyên nhân khiến những kẻ khai thác trộm tài nguyên, tàn phá môi trường có “đất” lộng hành.

Trần Thọ - Phạm Tường