Theo BQLDA đường Hồ Chí Minh, DA tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan có chiều dài 77 km, chạy từ ngã Ba Phú Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đến nút giao thông Túy Loan (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Tổng nguồn vốn đầu tư  được phê duyệt hơn 11,5 ngàn tỷ đồng. Hiện nay toàn tuyến mới có 66 km đường hoàn thiện ở phía địa phận Thừa Thiên Huế, hơn 11 km qua huyện Hòa Vang do vướng mắc công tác giải tỏa đền bù nên không có mặt bằng để thi công, gây chậm tiến độ  hơn 1 năm qua.

Liên quan đến DA này, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã nhiều lần làm việc với UBND TP Đà Nẵng để tháo gỡ vướng mắc, nhất là về đền bù giải tỏa; nhưng tiến độ vẫn rất chậm.

Lãnh đạo BQLDA đường Hồ Chí Minh cho biết, DA bế tắc trong việc giải phóng mặt bằng tuyến  Hòa Liên - Túy Loan,  với chiều dài 11,5 km; bao gồm 258 hồ sơ giải tỏa, đền bù của các hộ dân ở  các xã Hòa Liên, Hòa Sơn và Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang), chưa được thỏa thuận giá cả đền bù.

Còn đại diện UBND TP Đà Nẵng cho hay, khó khăn nhất hiện nay là không có nguồn vốn, trong khi cần khoảng 400 tỷ đồng để thực hiện đền bù, thì BQLDA đường Hồ Chí Minh chỉ đáp ứng được khoảng 180 tỷ đồng. 

Tại cuộc họp với Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ mới đây, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đề nghị Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng nghiên cứu phương án ưu tiên giải tỏa các hộ có đất nằm trong ranh giới DA để giao mặt bằng cho chủ đầu tư bàn giao cho đơn vị thi công. Đề nghị chính quyền các địa phương, các đơn vị liên quan tăng cường vận động người dân chấp hành chủ trương giải tỏa, nhanh chóng tính toán lại kinh phí, mức giá đền bù, và thực hiện khẩn trương để hỗ trợ tiến độ cao tốc La Sơn - Túy Loan.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ yêu cầu BQLDA đường Hồ Chí Minh phối hợp với  TP Đà Nẵng đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, kịp thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thi công và hoàn thành DA trước ngày 30/9/2019.

Tuy nhiên, đến nay đã sang tháng 2/2020, DA hầu như vẫn đứng im chưa thể tiếp tục triển khai vì chưa có mặt bằng.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo UBND xã Hòa Liên và xã Hòa Sơn cho biết, hơn 5 km đường thuộc DA chạy qua các địa phương này chủ yếu là ảnh hưởng đến đất rừng, đất vườn, ruộng của người dân, nên không có vấn đề gì phức tạp trong công tác đền bù. Hầu hết người dân đều thống nhất với chủ trương của Nhà nước và đã dành phần đất đã cắm mốc không canh tác, sản xuất, không khiếu nại, thắc mắc gì.

Việc chậm trễ và vướng mắc hiện nay là phần đất của DA còn lại nằm trên địa phận xã Hòa Nhơn khoảng hơn 6 km.

Liên quan đến công tác xác định vị trí triển khai DA, giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng đã có nhiều cuộc họp giữa UBND TP Đà Nẵng và Bộ GTVT và đã đi đến kết luận thống nhất phương án sẽ giữ nguyên một đoạn đường tránh Nam Hải Vân để chuyển thành đường cao tốc La Sơn - Túy Loan, đấu nối vào nút giao thông Túy Loan, Hòa Nhơn với cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Để đấu nối với đường tránh Nam Hải Vân cần thi công đường gom 2 bên, đi qua khu vực các thôn Hòa Khương Đông, Hòa Khương Tây, Thạnh Nham Tây, Phước Hưởng, Phước Hậu và đã tổ chức cắm mốc DA trên địa bàn các thôn này, sẽ triển khai trong Quý I/2020. Tuy nhiên, đây mới chỉ là trên kế hoạch và phải cần một lượng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để thực hiện.

Ông Trần Đình Thu, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết, khi giải tỏa, đền bù giải phóng mặt bằng DA sẽ ảnh hưởng đến đất nhà ở, đất vườn, ruộng của hơn 1.000 hộ dân 5 thôn trên. Cho đến thời điểm này, vẫn chưa xong việc lập hồ sơ kiểm kê, định giá đền bù giải tỏa nhà cửa, đất đai cho người dân. 

Theo ông Thu, người dân sống trong vùng quy hoạch DA không yên tâm sản xuất, cuộc sống, vì chưa có bất cứ thông báo cụ thể nào về thời gian sẽ tiến hành giải tỏa, việc đền bù, tái định cư ổn định đời sống sẽ thế nào?

Từ thực tế trên cho thấy, để thực hiện công tác giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng cho thi công đoạn còn lại của DA cao tốc La Sơn - Túy Loan còn lâu mới kết thúc. Và như vậy, toàn bộ DA này phải cuối năm nay mới có thể hoàn thành đi vào hoạt động.

Nguyên Phê