Gửi đơn Giám đốc thẩm và tâm thư lên Chủ tịch nước

Trước đó, TAND tỉnh Thanh Hóa đã chấp nhận đơn khởi kiện, đưa ra xét xử sơ thẩm công khai vụ án hành chính về việc khởi kiện quyết định nghỉ hưu, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) và quyết định giải quyết khiếu nại giữa ông Lê Hữu Hiền kiện ông Ngô Đình Hùng - Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa. Nội dung khởi kiện, ông Hiền cho rằng mình sinh năm 1960, chứ không phải năm 1958 như quyết định ông Hùng đã ký cho mình nghỉ hưu.  

Căn cứ vào các cơ sở pháp lý, TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Lê Hữu Hiền. Tuyên hủy toàn bộ Quyết định hành chính số 15/QĐ-CT ngày 5/1/2018 về việc cho ông Lê Hữu Hiền, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế huyện Thường Xuân nghỉ hưu, hưởng chế độ BHXH từ ngày 1/4/2018 và Quyết định giải quyết khiếu nại số 292/QĐ-CT ngày 13/3/2018 của Cục Thuế Thanh Hóa đối với ông Hiền. Buộc Cục Thuế Thanh Hóa phải khôi phục lại mọi quyền lợi, chế độ cho ông Hiền đang được hưởng tại Chi cục Thuế huyện Thường Xuân như trước ngày 1/4/2018.

Sau đó, ông Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa có đơn kháng cáo và được TAND cấp cao tại Hà Nội quyết định chấp nhận kháng cáo và đình chỉ giải quyết vụ án; hủy bản án hành chính sơ thẩm. Tuy nhiên, quyết định này lại căn cứ vào nhận định: Quyết định cho ông Lê Hữu Hiền nghỉ hưu của Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa là quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý và giải quyết vụ án trong trường hợp này là không đúng quy định của Luật Tố tụng Hành chính vì nội dung khiếu kiện này mang tính chất nội bộ của cơ quan, tổ chức, không thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án.

Thấy quá bất công, không hợp lý và không đồng ý với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội, ông Lê Hữu Hiền đã có đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm gửi đến Chánh án TAND Tối cao và Viện trưởng Viện KSND Tối cao, đồng thời gửi tâm thư giãi bày những “khúc mắc” liên quan đến tuổi thật của mình đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với các nội dung như sau: “Ông Lê Hữu Hiền không đồng ý với bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội với các lý do: Thứ nhất, hồ sơ đảng viên, giấy khai sinh, bằng đại học, thẻ đảng viên, sổ hộ khẩu, quyết định tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng đều được thể hiện ông Nguyễn Hữu Hiền, sinh năm 1960. Trong khi, chỉ có mỗi sơ yếu lý lịch để làm bảo hiểm mới thể hiện ông Hiền sinh năm 1958. Nhưng Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa lại căn cứ vào năm 1958 để cho ông Hiền về hưu. Trong khi đó, ngày 17/8/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Thông báo kết luận số 13-TB/TW về việc xác định tuổi của đảng viên làm căn cứ để quy hoạch, giới thiệu ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ đối với cán bộ đảng viên.

Thứ hai, quyết định của TAND Cấp cao tại Hà Nội là chưa đúng, bởi vì chưa đánh giá toàn diện nội dung vụ án về việc cho ông Lê Hữu Hiền nghỉ hưu, hưởng chế độ BHXH từ ngày 1/4/2018 điều chỉnh bởi 2 nội dung: Một là điều chỉnh về việc làm – chức vụ; hai là điều chỉnh về chế độ BHXH. Do đó, đối tượng khởi kiện trong vụ án này bao gồm quyết định hành chính của cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính điều chỉnh về chức vụ và chế độ chính sách BHXH với người lao động – là công chức Nhà nước. Thẩm quyền giải quyết thuộc TAND tỉnh Thanh Hóa với các căn cứ pháp lý như theo điểm C, Khoản 1, Điều 2, Luật BHXH; Khoản 1, Điều 118, Luật BHXH; Điều 119 Luật BHXH...

Như vậy, quyết định nghỉ hưu để hưởng chế độ BHXH của Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa không chỉ là quyết định nội bộ của cơ quan thuế để buộc ông Hiền nghỉ hưu mà quyết định này còn buộc một cơ quan khác (không trực thuộc cơ quan thuế) là BHXH tỉnh Thanh hóa phải ra quyết định cho ông Hiền hưởng chế độ hưu trí hàng tháng. Do đó, Tòa án cấp cao tại Hà Nội không thể nhận định quyết định của Cục trưởng Cục Thuế Thanh Hóa ký nghỉ hưu cho ông Hiền là quyết định hành chính nội bộ được. Nếu đúng như những gì ông Hiền phân tích trong đơn, thì những phán quyết của Tòa án Cấp cao tại Hà Nội lại đang khiến cho dư luận xã hội cực kỳ băn khoăn, bức xúc.

Cục trưởng Cục Thuế “cố tình” phớt lờ tuổi Đảng của ông Hiền

Lật lại những hồ sơ mà TAND tỉnh Thanh Hóa căn cứ, xét xử sơ thẩm và những tư liệu ông Lê Hữu Hiền chứng minh mình sinh năm 1960 là hoàn toàn có cơ sở. Bởi vì, các giấy tờ cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của ông Lê Hữu Hiền như giấy chứng minh nhân dân do Công an Thanh Hóa cấp ngày 22/10/1995; bằng tốt nghiệp đại học Cử nhân Kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cấp ngày 18/7/2006; giấy chứng nhận tốt nghiệp PTTH của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa cấp ngày 11/5/2001; thẻ đảng viên của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa cấp ngày 2/9/2004; lí lịch đảng viên có xác nhận của Đảng ủy Trung đoàn 27 ngày 28/6/1982 đều có năm sinh của ông Hiền là 1960... Do có những tài liệu chứng minh trên, thì có thể khẳng định ông Hiền sinh năm 1960 là đúng.

Ngày 17/8/2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có Thông báo kết luận số 13-TB/TW về việc xác định tuổi của đảng viên.

Theo đó, kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên mà thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng. Đây là căn cứ, cơ sở để các cấp ủy, tổ chức Đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ là đảng viên.

Ngoài ra, Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 20/9/2016 của Ban Bí thư hướng dẫn một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng cũng quy định: “Kể từ ngày 18/8/2016, không xem xét điều chỉnh tuổi của đảng viên; thống nhất xác định tuổi của đảng viên theo tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng”; sau khi báo cáo xin ý kiến của Ban Bí thư, để thống nhất thực hiện, Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn như sau: “Đối với trường hợp tuổi ghi trong hồ sơ lý lịch cán bộ hoặc các giấy tờ liên quan khác kèm theo hồ sơ cán bộ không trùng khớp với hồ sơ lý lịch đảng viên gốc, khi tiến hành quy trình công tác cán bộ như: Quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên thì các cấp ủy, tổ chức Đảng phải lấy tuổi khai trong hồ sơ lý lịch đảng viên (hồ sơ gốc) khi được kết nạp vào Đảng làm căn cứ để thực hiện nhất quán, nghiêm túc, khách quan, theo đúng Hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng (Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 20/9/2016) và Thông báo kết luận số 13-TB/TW, ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư”.

Được biết, để xác định tuổi của ông Lê Hữu Hiền, trước đó, ngày 18/4/2017, Cục Thuế Thanh Hóa đã có Công văn số 1432/CT-TCCB đề nghị xác nhận ngày tháng năm sinh của đảng viên Lê Hữu Hiền gửi Huyện ủy Thường Xuân. Ngày 8/5/2017, ông Đỗ Xuân Nam, Bí thư Huyện ủy Thường Xuân đã có Văn bản phúc đáp số 380-CV/HU về việc xác nhận ngày tháng năm sinh của đảng viên Hiền. Nội dung nêu rõ: Qua xem xét sơ yếu lí lịch đảng viên và các giấy chuyển sinh hoạt Đảng, Ban Thường vụ Huyện ủy Thường Xuân xác nhận đồng chí Lê Hữu Hiền sinh ngày 8/8/1960; ngày vào Đảng 8/3/1982, chính thức 8/9/1983. Việc xác nhận này để các cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền xem xét khi quy hoạch, giới thiệu ứng cử, bố trí, sử dụng và thực hiện chế độ đối với cán bộ đảng viên.

Như vậy, xét theo Thông báo kết luận số 13-TB/TW ngày 17/8/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc xác định tuổi của đảng viên thì trường hợp của ông Hiền là sinh năm 1960, do đó ông ông Ngô Đình Hùng không thể “phớt lờ” tuổi Đảng để căn cứ vào hồ sơ công chức ký quyết định cho ông Hiền về hưu ở tuổi 58 được.

Văn Thanh