Năm 2003, UBND tỉnh Ninh Thuận giao cho Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư dự án hạ tầng xung quanh khu vực quảng trường, tượng đài và bảo tàng tỉnh Ninh Thuận. Mục tiêu, đưa TP Phan Rang - Tháp Chàm trở thành đô thị loại 2.

Đến năm 2012, dự án này kết thúc và 3 con đường quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận, bao gồm: Đường Nguyễn Công Trứ, Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương, thuộc phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm cũng được xây dựng xong.

Tuy nhiên, vào ngày 8/3/2013, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm lại ban hành Quyết định số 422, với nội dung chính là đầu tư xây dựng 3 tuyến đường Hoàng Diệu, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tri Phương, cùng với 2 trục đường nội bộ N3, N4, với tổng mức đầu tư hơn 88 tỷ đồng...

Xung quanh 3 con đường này có nhiều ý kiến trái chiều. Cụ thể, ông Trần Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm cho rằng, tại thời điểm UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm ban hành Quyết định số 422 thì 3 trục đường chính xung quanh bảo tàng tỉnh chưa được đầu tư, hiện trạng là đường đất và ruộng.

Trong khi đó, bà Võ Huỳnh Phương Thảo (ngụ phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm, có 2 người con bị thu hồi đất để làm dự án hạ tầng quanh Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận) bức xúc nói: “3 trục đường này đã được xây dựng xong vào năm 2012. Nhưng sao lại thu hồi đất để rồi tiếp tục làm đường”.

Để chứng minh, bà Thảo còn cung cấp Quyết định số 8749 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm ký ngày 30/6/2003 về việc thu hồi đất để làm dự án trên, cùng bức hình bà Thảo chụp đường Hoàng Diệu vào năm 2013 cho thấy con đường này đã làm hoàn thiện trước đó.

Ngoài ra, tại Thông báo số 81 ngày 15/8/2013 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm về thu hồi đất của 53 hộ ở bên kia trục đường Hoàng Diệu và bên kia trục đường Nguyễn Công Trứ, thể hiện: Có 14 hộ đất có nhà ở, 37 hộ đất trồng cây lâu năm và 2 hộ đất trồng lúa nước, với tổng diện tích là 1.173,3m2, chiếm tỉ lệ 5,8%.

Do đó, phần đất bên kia trục đường Hoàng Diệu chủ yếu là đất dân cư có nhà ở, đất trồng cây lâu năm, chứ không phải là đất ruộng lúa như ông Trần Minh Thái đã nói ở trên.

Kiện cáo kéo dài 7 năm về việc thu hồi đất để làm dự án “đường chồng đường”. Ảnh: Khoa Lê

 

Điểm đáng chú ý, trong khi nhiều hộ dân có đất xung quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận chưa được nhận đất tái định cư, nhưng UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã “vội” cho đấu giá đất của họ để làm đất dịch vụ kinh doanh.

Điển hình, ngày 22/6/2017, ông Bùi Văn Phú, Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm đã ban hành Quyết định số 928, phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất xung quanh bảo tàng tỉnh vào mục đích đất dịch vụ thương mại, bán đấu giá. Sau đó, TP Phan Rang - Tháp Chàm đã bán đấu giá 6 lô đất, ký hiệu B1, B2, B3, C1, C2 và C3 bên kia trục đường Nguyễn Công Trứ, được hơn 36,2 tỷ đồng.

Liên quan đến việc tại sao thu hồi đất từ năm 2013, nhưng mãi đến năm 2017, UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm mới ban hành Quyết định 928, phê duyệt quy hoạch tổng thể mặt bằng, tạo quỹ đất dịch vụ thương mại bán đấu giá. Ông Trần Minh Thái, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm, cho hay: “Quyết định số 928 của UBND TP Phan Rang - Tháp Chàm không liên quan đến việc thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng xung quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận?”.

Còn ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Dự án xây dựng hạ tầng quanh khu vực Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận được thực hiện bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á, vì thế, tỉnh phải thực hiện bán đấu giá đất để lấy tiền làm vốn đối ứng?”.

Liên quan đến vấn đề này, Báo Thanh tra đã từng có bài phản ánh: “Cùng một văn bản, 2 lãnh đạo ký với 2 nội dung lệch nhau…?”. Báo sẽ tiếp tục theo dõi và thông tin về vụ việc này.

Khoa Lê