Hình thành từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, chợ An Đông cùng với chợ Bình Tây và chợ Bến Thành là 3 khu chợ sầm uất bậc nhất Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh. Từ năm 1991, các tiểu thương đã ký hợp đồng với Công ty tư doanh Xây dựng Việt Hoa (sau này đổi tên thành Công ty TNHH Xây dựng Việt Hoa, hợp tác với Công ty Phát triển nhà thuộc UBND quận 5) về việc sang nhượng quầy, sạp.

Mâu thuẫn phát sinh khi thời hạn hợp đồng sang nhượng quầy sạp với Công ty tư doanh Xây dựng Việt Hoa (thời hạn là 20 năm) kết thúc. Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông yêu cầu ký hợp đồng mới về việc sử dụng điểm kinh doanh (quầy, sạp) với những điều khoản mà các tiểu thương cho rằng gây bất lợi và không đảm bảo công bằng đối với họ.

Trong đơn khiếu nại gửi các cấp có thẩm quyền, nhiều tiểu thương chợ An Đông (nay là Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông) cho rằng: Với số tiền lớn bỏ ra vào thời điểm năm 1991 thì lẽ ra họ phải được sở hữu các quầy sạp như những người chủ thực sự, không phải đóng thêm tiền khi ký hợp đồng mới.

“Lẽ ra đến năm 1991, với số tiền 22 triệu đồng, tương đương hơn 4 lượng vàng cho một diện tích quầy sạp 1,5m x 1,5m, tiểu thương đã phải được công nhận quyền lợi hợp pháp của mình như một người chủ đối với công trình cải tạo chợ An Đông, chứ không phải bị đẩy ra đường và khép nép bước vào lại chỉ khi đã nộp thêm một khoản tiền không nhỏ như đã diễn ra”, đơn khiếu nại của tiểu thương chợ An Đông phản ánh.

Tại cuộc họp thông tin kết quả triển khai dự thảo hợp đồng sử dụng điểm kinh doanh tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông (Biên bản số 27/BB-AĐ ngày 24/6/2019), tiểu thương Lý Cẩm Vân cho rằng: “Tôi chưa ký hợp đồng này vì còn nhiều điều khiến tôi băn khoăn, bất an. Vì thấy các chợ khác được quyền lợi như vậy nên chúng tôi mới mong muốn được như vậy”.

Tiểu thương chợ An Đông bày tỏ mong muốn được thực hiện cơ chế như ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh). “Chợ Bà Chiểu chỉ đóng 1/10 so với chợ An Đông nhưng được quyền sử dụng sạp và có tờ góp vốn, tại sao quận 5 không làm được như quận Bình Thạnh, ở đây thiếu sự công bằng với tiểu thương tại An Đông…”, bà Lý Cẩm Vân nêu ý kiến tại cuộc họp với Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông vào ngày 24/6/2019.

Trong Thông báo số 24/TB-AĐ ngày 11/7/2019, Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông cho rằng, công trình Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông là tài sản của Nhà nước, và việc Ban quản lý tiếp tục ký hợp đồng mới với thương nhân là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.

Văn bản này khẳng định: “Công trình Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông được hình thành từ sự hợp tác đầu tư giữa Công ty Phát triển nhà quận 5 và Công ty tư doanh Việt Hoa theo Hợp đồng số 14/HĐKT-PTN ngày 27/11/1990 (pháp nhân kế thừa hợp pháp được pháp luật công nhận là Ban quản lý Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông; tiếp nhận việc chuyển giao theo Công văn số 2004/UBND-TCKH ngày 10/11/2005 của UBND quận 5). Theo nội dung hợp tác, phía Việt Hoa có trách nhiệm bố trí 100% nguồn vốn để xây dựng công trình, được quyền khai thác thông qua ký hợp đồng sang nhượng đối với các tổ chức cá nhân có nhu cầu trong thời hạn 20 năm, khi hết thời hạn này công trình được bàn giao lại cho Nhà nước”.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Trần Hải Đức (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Tài sản của Nhà nước nếu được hình thành thì phải từ nguồn vốn của ngân sách. Ở đây (trường hợp Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông) ngân sách không bỏ ra đồng nào…

Theo Hợp đồng số 014/HĐKT-PTN ngày 27/11/1990 về việc hợp tác đầu tư và khai thác công trình Trung tâm thương nghiệp dịch vụ Chợ Lớn An Đông thì Công ty tư doanh Xây dựng Việt Hoa là đơn vị chịu trách nhiệm đầu tư vốn 100% để xây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông, và là đơn vị trực tiếp ký hợp đồng sang nhượng quầy, sạp với các tiểu thương tại thời điểm năm 1991.

Như vậy, ngay từ ban đầu thì công trình Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông được hình thành bằng vốn của doanh nghiệp tư nhân (cụ thể là Công ty tư doanh Xây dựng Việt Hoa), không phải bằng nguồn ngân sách Nhà nước.

Nhiều mâu thuẫn xung quanh việc xác định chủ sở hữu hệ thống quầy sạp cùng quá trình sử dụng số tiền hơn 200 tỷ đồng do tiểu thương đóng nộp đã dẫn đến tình trạng kiến nghị, khiếu nại kéo dài tại Trung tâm thương mại dịch vụ An Đông.

Những mâu thuẫn này nếu không được giải quyết một cách thấu đáo thì sự trì trệ trong hoạt động của khu chợ giàu truyền thống này sẽ còn tiếp diễn. Cùng với đó, việc số đông tiểu thương khiếu kiện kéo dài còn dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.

Xuân Thành – Nhật Tường