Khiếu nại của dân về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ

Dự án Khu du lịch ven biển Bắc Bãi Trường, tên thương mại là Khu du lịch Paradise Cove có vị trí tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc (Kiên Giang), do Công ty Hồng An Bãi Trường làm chủ đầu tư. 

Dự án đã được Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tại Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 31/5/2007.

Ngày 16/6/2009, UBND huyện Phú Quốc ra Thông báo số 136/TB-UBND về việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng khu vực quy hoạch xây dựng Khu du lịch ven biển Bắc Bãi Trường. 

Đến năm 2011, UBND huyện Phú Quốc đã ban hành các quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân, trong đó gia đình ông Nguyễn Kỳ Linh bị thu hồi hơn 1.433m2; loại đất trồng cây lâu năm.

Sau khi các quyết định thu hồi đất được công bố, chủ đầu tư đã chuyển hơn 96 tỷ đồng cho Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Phú Quốc để tiến hành các thủ tục.

Trong đơn, công dân không nhất trí với việc UBND huyện Phú Quốc ban hành quyết định thu hồi nhà, đất của người dân, sau đó giao lại cho chủ đầu tư Công ty Hồng An Bãi Trường. Dự án Khu du lịch ven biển Bắc Bãi Trường là dự án kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân, nên muốn có đất để thực hiện dự án thì chủ đầu tư cần thoả thuận với người dân.

Đơn thư của các hộ dân gửi Báo Thanh tra. Ảnh: Nhóm PV

Điều cần quan tâm, khiếu nại của công dân về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư thực hiện Dự án Khu du lịch ven biển Bắc Bãi Trường đến nay vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Ngày 29/8/2018, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc đã ký Quyết định số 2761/QĐ-UBND về việc cưỡng chế thu hồi đất để giao cho chủ đầu tư, khiến nhiều hộ dân rất bức xúc.

Cần phải giải quyết thấu đáo khiếu nại của dân theo quy định của pháp luật.

Trong diện tích mà Công ty Hồng An Bãi Trường cho rằng đã được giao đất để triển khai thì có 2 phần diện tích đều chưa hoàn chỉnh về pháp lý. Đó là phần nhà đất của người dân đang khiếu nại về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất chưa được giải quyết và phần diện tích 35.000m2 phát sinh do thay đổi hướng tuyến đường Dương Đông - An Thới.

Đối với phần diện tích phát sinh do thay đổi hướng tuyến, Công ty Hồng An Bãi Trường đã có nhiều văn bản đề nghị UBND huyện Phú Quốc thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như phần đất mà các hộ dân đang khiếu nại.

Các quyết định thu hồi đất, cưỡng chế của UBND huyện Phú Quốc khiến người dân bất bình. Ảnh: Nhóm PV

Các quyết định thu hồi đất mà người dân cho rằng không đúng quy định chưa được cơ quan chức năng huyện Phú Quốc xem xét thấu đáo để có giải pháp căn cơ. Việc căn cứ vào các văn bản của Ban Quản lý khu kinh tế đảo Phú Quốc, liên quan đến Quyết định 38/2006/QĐ-TTg đã được thay thế bằng Quyết định 20/2010/QĐ-TTg, do đó, các cơ quan quản lý Nhà nước huyện Phú Quốc cần xem xét để áp dụng chuẩn xác các quy định của pháp luật khi giải quyết khiếu nại của công dân về thu hồi đất.

Trong khi đó, về phía chủ đầu tư là Công ty Hồng An Bãi Trường cũng đã có văn bản cho rằng các hộ dân không đồng ý bàn giao mặt bằng là có thái độ gây rối, xây dựng không phép trên phần đất hành lang biển. Đây cũng là vấn đề cần phải xem xét một cách minh bạch, vì xung quanh khu vực bờ biển từ ấp Cửa Lấp đến trung tâm thị trấn Dương Đông vẫn chưa được UBND tỉnh Kiên Giang thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đúng Điều 79 Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo.

Hiện nay, nhiều hộ dân có đất bị thu hồi vẫn tiếp tục khiếu nại không đồng tình với mức giá bồi thường, hỗ trợ quá thấp, chưa được bố trí tái định cư theo đúng quy định của pháp luật. Một số hộ dân có diện tích đất lớn đã chủ động thành lập doanh nghiệp và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền được làm dự án theo tiêu chí sử dụng đất, quy hoạch của nhà nước cũng cần được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

Báo Thanh tra tiếp tục thông tin vụ việc.

Nhóm PV