Theo hồ sơ vụ việc thì năm 1996, ông Hồ Ngọc Chinh ở tổ 27, phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ được bà nội là Phạm Thị Sé cho một thửa đất có diện tích 222m2 và UBND huyện Hòa Vang (cũ) cấp sổ đỏ ngày 17/12/1996.

Năm 2004, ông Chinh cắt và chuyển nhượng cho ông Hồ Ngọc Hiệp (em trai ông Chinh) 104,5m2 đất, được huyện Hòa Vang cấp sổ đỏ ngày 10/11/2004 cho ông Hiệp. Hồ sơ thửa đất thể hiện rõ con đường rộng 1,5 m để đi vào 2 thửa đất của ông Chinh và ông Hiệp. Ông Hiệp vẫn để thửa đất cho ông Chinh quản lý và sau đó chuyển ngược lại cho gia đình ông Chinh sử dụng toàn bộ.

Do điều kiện kinh tế gia đình ông Chinh chuyển về phường Hòa Khê (Thanh Khê, Đà Nẵng) sinh sống, nên thửa đất 222m2 để trống. Năm 2017, ông Chinh làm thủ tục xin Giấy phép xây dựng nhà tại thửa đất trên thì tá hỏa phát hiện diện tích con đường dẫn vào bên trong đã được Văn phòng Đăng ký Đất đai quận Cẩm Lệ cấp sổ đỏ luôn cho hộ liền kề.

Nguồn gốc thửa đất hộ liền kề nguyên của bà Sé chuyển nhượng cho ông Đoàn Mộng Ý với diện tích 100m2. Qua 3 lần chuyển nhượng cho 3 chủ khác nhau thì diện tích từ 100m2 đã được cấp sổ đổ trước đó bỗng tăng lên thành 134m2 đất vào năm 2017, sau đó được tách thành 2 thửa đất và đã được người mua xây dựng nhà kiên cố.

“Trước khi xảy ra tranh chấp, lô đất 100m2 đã được bán qua 3 chủ. Sau khi cấp đổi sổ năm 2017, rồi tách ra 2 thửa, mỗi thửa lại tiếp tục được bán qua 3 người khác. Dù tôi đã có đơn nhưng họ vẫn xây dựng nhà mà chính quyền lại không có biện pháp ngăn chặn" - ông Chinh bức xúc.

Lô đất 100m2 nói trên khi chuyển nhượng đến tay bà Lê Thị Phong Lan thì diện tích thửa đất bất ngờ tăng lên 134m2. Đặc biệt là, trong hồ sơ đăng ký sổ đỏ các hộ liền kề và gia đình ông Chinh không hề ký tứ cận nhưng bà Lan vẫn có được chữ ký để được cấp sổ đỏ.

Ông Chinh cho biết: “Bà nội tôi mất từ năm 2012, thì làm sao ký giấy xác nhận tứ cận vào năm 2017. Hơn nữa, ông Xảo và bà Hiền nhà ở sát đó cũng không hề ký tứ cận... nhưng vẫn được UBND phường Hòa Phát xác nhận hồ sơ. Đây cũng là nguyên nhân khiến con đường 1,5m đi vào thửa đất của ông bị lấn chiếm”...

3/4 chữ ký trong giấy tứ cận của bà Lan là giả mạo. Ảnh: Ngọc Phó

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Phát cho biết, sau khi tiếp nhận đơn của ông Chinh, chính quyền phường đã vào cuộc xác minh và tiến hành hòa giải nhiều lần nhưng không thành.

Cũng theo ông Tuấn, sau khi phát hiện có dấu hiệu giả mạo chữ ký trong giấy tứ cận, UBND phường Hòa Phát đã yêu cầu Công an phường vào cuộc xác minh, làm rõ. Qua đó cho thấy, bà Phong Lan (người được cấp sổ cạnh lô đất ông Chinh) đã ủy quyền cho bà Trần Thị Hồng Lê đi làm giấy tờ sau đó bà Lê tự làm giả chữ ký. Hiện, chính quyền phường Hòa Phát đã báo cáo UBND quận Cẩm Lệ đề nghị giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Long, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Cẩm Lệ cho biết, do mới về nhận công tác tại chi nhánh nên ông chưa nắm rõ hồ sơ của vụ việc, nếu phát hiện cấp sổ đỏ sai thì sẽ thu hồi. Theo đó, các hộ giáp ranh ký tứ cận trong hồ sơ đăng ký cấp quyền sử dụng đất cho bà Phong Lan là không có thật. Thậm chí bà Sé đã chết có giấy khai tử từ năm 2012, nhưng vẫn có chữ ký trong hồ sơ của bà Lan vào năm 2017.

Trước khi giải quyết tranh chấp, đề nghị chính quyền địa phương xử lý nghiêm không chỉ người làm giả giấy tứ cận và cả cán bộ đo đạc thuộc Văn phòng đăng ký đất đai TP Đà Nẵng Chi nhánh quận Cẩm Lệ cũng như những người có liên quan ở phường Hòa Phát đã thiếu trách nhiệm trong kiểm tra hồ sơ; dẫn đến cấp sổ đỏ sai và phát sinh khiếu kiện kéo dài.

Ngọc Phó