Đại công trường khai thác trái phép

Từ đơn thư phản ánh của công dân, chúng tôi tìm về địa bàn xã Yên Lâm, huyện Yên Định, khi trời vừa nhá nhem tối. Lưu trú lại một đêm để làm quen địa bàn, dò tìm địa điểm khai thác đá trái phép được “tố” trong đơn. Sáng hôm sau, theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi mới tiếp cận được khu vực núi Loáng, thung Buồm, xã Yên Lâm, một trong những địa điểm khai thác đá trái phép rầm rộ nhất hiện nay.

Cả một vùng núi rộng lớn hiện ra trước mắt, việc khai thác diễn ra công khai như một đại công trường, công nhân, máy móc được đưa vào đây khai thác trái phép ngang nhiên như những điểm mỏ đã được cấp phép. Các doanh nghiệp đã dùng nhiều biện pháp khai thác triệt để nguồn tài nguyên.

Theo quan sát của phóng viên, việc khai thác được sử dụng bằng dây kim cương, kích thủy lực, máy đào rồi dùng máy cẩu để bốc lên xe vận tải đưa về xưởng sản xuất của Công ty TNHH Minh Thức. Việc khai thác đá trái phép ở khu vực này đã diễn ra trong một thời gian khá dài, đối tượng đầu tư máy móc thiết bị khai thác khá quy mô, khai trường lại nằm ở trong thung, ngay gần phía sau khu vực xưởng Công ty TNHH Minh Thức. Thế nhưng, chẳng hiểu vì sao chính quyền địa phương cũng như lực lượng chức năng từ tỉnh, huyện, xã không có sự phát hiện kịp thời để kiểm tra, lập biên bản xử lý, đình chỉ hoạt động.

Chính vì thế, ngày nào cũng như ngày nào, máy móc vô tư khai thác, núi bị xẻ tan tành để lấy đi hàng trăm, hàng nghìn mét khối đá, gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản, thất thu nguồn thuế của Nhà nước, mang lại nguồn lợi bất chính hàng chục tỷ đồng cho những đối tượng làm đá “thổ phỉ” ở đây.

Người dân địa phương cho biết, trước đây, Công ty TNHH Minh Thức được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác mỏ đá trên địa bàn xã Yên Lâm. Tuy nhiên, sau đó đơn vị này đã đóng cửa mỏ nhiều năm nay. Để "nghi binh", khu vực cổng trước của xưởng sản xuất Công ty Minh Thức được khóa rất kỹ càng, cỏ mọc um tùm vì lâu ngày không có xe, người ra vào, nhằm “che mắt thiên hạ” là đã đóng cửa sản xuất từ lâu. 

Trái ngược lại, cổng phía sau của Công ty Minh Thức lại luôn rộng mở, để hằng ngày xe chở đá ở khai trường khai thác trái phép đưa về đây cho công nhân chế biến, sản xuất, đưa đi tiêu thụ. Đây là hình thức tinh vi, chỉ có những con người từng trải trong ngành khai thác đá mới nghĩ ra cách này để che mắt thiên hạ.

Khai thác ra ngoài vị trí cấp phép

Ngoài địa điểm núi Loáng, thung Buồm bị khai thác đá trái phép vô tội vạ, tại núi Hang Cá, xã Yên Lâm cũng đang có nhiều điểm khai thác đá trái phép khác. Cụ thể, Công ty TNHH Xuân Trường (Cty Xuân Trường) được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác khoáng sản đá vôi năm 2014, với thời hạn khai thác trong 30 năm. Thế nhưng, trong thời gian qua, Cty Xuân Trường đã khai thác trái phép ra ngoài vị trí cấp phép để lấy nguồn tài nguyên đá chế biến, đưa đi bán kiếm lời bất chính.

Điểm khai thác đá trái phép, nằm ngoài vị trí cấp phép của Công ty TNHH Xuân Trường. Ảnh: P.V

 

Có mặt tại điểm khai thác này, phóng viên chứng kiến máy múc hoạt động ngang nhiên, nhà tạm được làm bằng tôn cho công nhân ở để dễ bề khai thác. Nhiều điểm đá đẹp đã được dùng dây kim cương cưa cắt rất ngọt, lấy đá khối, còn lại đá được khai thác để chế biến thành nhiều thành phẩm khác để tiêu thụ.

Đáng nói, việc cấp phép cho Cty Xuân Trường đã được cơ quan chức năng cắm mốc giới, thế nhưng chẳng hiểu vì sao, những vi phạm khai thác ra ngoài vị trí này vẫn được chính quyền sở tại “lờ đi”, khiến nhân dân địa phương vô cùng phẫn nộ và bức xúc.

Không những thế, trong những năm qua, tại mỏ đá của Cty Xuân Trường liên tục vi phạm trong công tác an toàn lao động, khai thác đá bằng cách đánh gầm, đánh cống. Gần đây nhất đã xảy ra vụ tai nạn lao động làm 2 công nhân bị thương. Ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân vụ tai nạn lao động này. 

Cũng tại núi Hang Cá, xã Yên Lâm, hiện Công ty TNHH Xây lắp điện và Xây dựng Thủy lợi Thăng Bình (Cty Thăng Bình) được Nhà nước cấp phép khai thác khoáng sản từ 2015, thời hạn khai thác hơn 10 năm. Tuy nhiên, theo người dân phản ánh, Cty Thăng Bình hiện nay đã khai thác quá công suất gấp nhiều lần, khiến trữ lượng bị cạn kiệt, nên đã liên tục khai thác đá ra ngoài vị trí được cấp phép với diện tích lớn, trốn thuế, làm thất thoát tài nguyên Nhà nước, thu lời bất chính.

Được biết, năm 2018, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động khoáng sản tại Cty Thăng Bình, phát hiện đơn vị này chưa lắp đặt trạm cân tại nơi vận chuyển khoáng sản ra khỏi mỏ để theo dõi, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thông số của hệ thống khai thác (chiều cao tầng, góc nghiêng sườn tầng khai thác) vượt quá quy định của thiết kế; lập bản đồ hiện trạng mỏ nhưng thông tin, số liệu trên bản đồ thể hiện không đầy đủ theo quy định và sai so với thực tế hiện trạng khai thác khoáng sản... Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với Cty Thăng Bình.

Địa điểm khai thác đá trái phép, nằm ngoài vị trí cấp phép của Công ty Thăng Bình. Ảnh: P.V

 

Việc chính quyền xã Yên Lâm, với chức năng, nhiệm vụ quản lý trên địa bàn, đã để cho nhiều công ty khai thác đá trái phép, khai thác ra ngoài vị trí cấp phép trong một thời gian dài, khiến nhiều người dân đặt câu hỏi, phải chăng đang có sự “bảo kê” của chính quyền nên việc khai thác đá trái phép mới diễn ra ngang nhiên như vậy?

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, một lãnh đạo huyện Yên Định cho biết: Nếu đúng việc khai thác diễn ra như thế này thì không thể chấp nhận được. Cần phải kiểm tra, xử lý đến nơi, đến chốn. Chứ để như thế này, kỷ cương, phép nước còn đâu nữa.

Với sự việc nêu trên, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa sớm chỉ đạo các ban, ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm trách nhiệm cá nhân, tập thể để xảy ra những sai phạm này.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc.

P.V