“Tận cùng của sự đau khổ”

Theo lời kể của bà Lanh (sinh năm 1970), bà và ông Phạm Văn Xuyên (sinh năm 1964) được UBND xã Tân Việt chứng nhận kết hôn với nhau từ ngày 4/1/1992. 

“26 năm chung sống, tôi luôn tất bật chạy chợ nuôi sống gia đình, lo lắng, chăm sóc cho mẹ chồng... Tôi và chồng đã cùng sinh sống trên mảnh đất của cha ông, hàng chục năm nay, không có tranh chấp với ai. Năm 2003 đã được UBND huyện Thanh Hà cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 428m2, trong đó có 208m2 đất ở lâu dài. Chúng tôi dành dụm xây được căn nhà 2 tầng. Ai ngờ, đến năm 2016, chị em chồng và chồng cùng nhau dồn ép tôi. Đến năm 2017, tôi buộc phải rời khỏi căn nhà của mình. Từ người làm chủ, tôi trở thành người vô gia cư, phải đi ở nhờ... đến tận cùng của sự đau khổ”, bà Lanh nói trong nước mắt.

Theo một số hộ dân sống quanh khu vực gia đình ông Xuyên, bà Lanh, câu chuyện trên là hoàn toàn có thật.

 “Cũng là phụ nữ với nhau, tôi thấy hoàn cảnh của chị Lanh quá khổ, bao nhiêu năm làm dâu, chạy chợ, buôn bán đến nhầu nhĩ cả người xây được mái nhà. Đến giờ, ra đi tay trắng. Chưa nói đến các quy định của pháp luật, về mặt tình cảm, đó là một điều quá bất công”, một người dân chia sẻ.

Bà Lanh cầm những văn bản do TAND huyện Thanh Hà gửi. Ảnh: PV

Cũng cảm thông với hoàn cảnh của bà Lanh, cán bộ địa chính xã Tân Việt Nguyễn Đức Hậu chia sẻ, tất cả bắt nguồn từ mâu thuẫn trong gia đình khi ông Xuyên - bà Lanh không có con. Đến nay, việc tranh chấp của chị em ông Xuyên với bà Lanh đã được Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thanh Hà xét xử. 

Bản án đã được gửi về UBND xã Tân Việt với kết quả: Hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Xuyên - bà Lanh. 

“Là cán bộ thực thi chúng tôi chỉ biết làm theo quy định. Nhưng sự việc này có bất cập”, ông Hậu thừa nhận.

Chưa hết, mới đây, bà Lanh là bị đơn trong vụ án hôn nhân và gia đình, bởi chồng bà quyết định ly hôn. “Tòa án triệu tập tôi lên, bảo tôi kí vào một số giấy tờ liên quan đến tài sản để làm thủ tục ly hôn. Tôi không biết rõ nội dung tòa nói tôi kí là gì nên không kí. Tôi đâu có muốn ly hôn”, bà Lanh lại rơi nước mắt.

Cần sự xem xét thấu đáo của cơ quan có thẩm quyền

Theo nội dung Bản án số 03/2017/STDS ngày 28/6/2017 về việc tranh chấp về thừa kế tài sản do TAND huyện Thanh Hà ban hành, nguyên đơn là bà Phạm Thị Thược, bị đơn là ông Phạm Văn Xuyên, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là: Phạm Thị Lệ, Phạm Thị Bốn, Phạm Thị Điểm, Nguyễn Việt Dũng, bà Nguyễn Thị Lanh và UBND huyện Thanh Hà.

Nội dung tóm tắt vụ án như sau: Cụ Phạm Văn Thường và cụ Hoàng Thị Sủng sinh được 6 người con gồm: Lệ, Thược, Bốn, Xuyên, Điềm và bà Phạm Thị Huấn (đã chết năm 1997). Năm 1977, cụ Thường chết không có tài sản để lại; khi còn sống cụ Sủng tạo dựng được thửa đất số 290 diện tích 609m2 tại thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt, huyện Thanh Hà. Khi cụ Sủng chết không để lại di chúc. Toàn bộ tài sản trên do ông Xuyên, bà Lanh và anh Dũng (là cháu) đang quản lý. Nay bà Thược đề nghị được chia thừa kế di sản đất của cụ Sủng để lại (theo hiện trạng).

Theo quyết định của TAND huyện Thanh Hà tại Bản án 03/2017/STDS: Thứ nhất, xác định khối di sản thừa kế của cụ Sủng để lại là diện tích 643,2m2 đất tại thôn Ngọc Lộ, xã Tân Việt trị giá hơn 2,5 tỷ đồng. Các con, cháu là ông Xuyên, bà: Thược, Bốn, Điềm, Lệ, anh Dũng mỗi người được hưởng phần di sản giá trị là 422,8 triệu đồng. 

Về đất, chia quyền sử dụng đất ở cụ thể là ông Xuyên: 201,1m2; bà Thược: 97,2m2; bà Lệ: 103,7m2; bà Bốn: 85,7m2; bà Điềm: 76,9m2 và anh Dũng: 78,6 m2. 

Thứ hai, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số W007310 do ông Xuyên - bà Lanh đứng tên với 428m2 đất (trong đó có 208 đất ở).

TAND huyện Thanh Hà. Ảnh: PV

Bản án của TAND huyện Thanh Hà cũng nêu rõ: “Bà Lanh có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận bản án hoặc niêm yết bản án”.

Thế nhưng, theo khẳng định của bà Lanh, từ khi xét xử bà không được mời hoặc triệu tập đến TAND huyện Thanh Hà. Đến thời điểm này, bà cũng không nhận được bản án nào, nên không biết nội dung, cũng không biết phải kháng cáo gì.

Theo nhận định của một luật sư, trường hợp nếu khẳng định bà Lanh là đúng, cần kiểm tra lại bằng chứng của việc gửi bản án hoặc niêm yết bản án nói trên của TAND huyện Thanh Hà. Trường hợp TAND huyện Thanh Hà chưa gửi bản án tới bà Lanh đồng thời chưa niêm yết bản án theo quy định thì thời hiệu kháng cáo của bà Lanh vẫn còn. Bởi lý do bà Lanh là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chưa được nhận và biết bản án, để thực hiện quyền kháng cáo theo các quy định tại Điều 271, Điều 271 Bộ Luật Tố tụng Dân sự.

Ở một diễn biến liên quan, xác nhận với phóng viên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký sử dụng đất (UBND huyện Thanh Hà) Trần Văn Tâm cho biết: Theo trình tự, thủ tục, khi có bản án thì Văn phòng Đăng ký sử dụng đất phải nhận được được bản án (có thể trực tiếp hoặc gửi qua UBND huyện). Nhưng đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được bản án, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Xuyên – bà Lanh cũng chưa được thu hồi và tách thửa.

Câu chuyện của người phụ nữ có số phận không may mắn ở xã Tân Việt là một câu chuyện pháp luật liên quan tới bản án xét xử của TAND huyện Thanh Hà, còn đó không ít điểm cần làm rõ về tính công khai, minh bạch, khách quan, công tâm cũng như tính nhân văn trong hoạt động thực thi pháp luật.

Trang Trang