Chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc xử lý nghiêm vụ việc

Ngày 14/12/2017, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ra Công văn hỏa tốc số 10000/UBND-NC gửi Công an tỉnh và UBND huyện CưM’gar. 

Nội dung Công văn này nêu rõ: “Để đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, UBND tỉnh yêu cầu: Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng Công an bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, phân loại đối tượng và xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 22/12/2017. UBND huyện CưM’gar tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các hộ dân nhận khoán thực hiện theo đúng quy định của pháp luật”.

Công văn hỏa tốc của UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh vào cuộc xử lý nghiêm vụ việc. Ảnh: Nhóm PVĐT

Cũng trong ngày 14/12/2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đắk Lắk có Công văn số 2837/SNN-KHTC gửi UBND tỉnh, với nội dung: Để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm được ổn định, đặc biệt là trong quá trình đổi mới công ty theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, đồng thời bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, ngăn chặn tiền lệ xấu… Sở NN&PTNT kính đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí thời gian tổ chức cuộc họp bàn, xử lý những nội dung trên… có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh phối hợp với UBND huyện CưM’gar xử lý dứt điểm vấn đề này.

Các động thái trên đã khẳng định một sự kiên quyết của chính quyền tỉnh Đắk Lắk trong việc ngăn chặn âm mưu, hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng xấu, cụ thể là: xúi giục, kích động người dân tụ tập gây rối, lấn chiếm đất rừng và hủy hoại tài sản.

Trước đó, Công an huyện CưM’gar đã nhiều lần mời Phan Xuân Lương lên làm rõ nội dung tố cáo của công dân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vài lần đầu thì chấp hành về sau đối tượng này tỏ thái độ bất hợp tác.

Giả chữ ký của người dân để gây sức ép với chính quyền

Theo tài liệu do PV Báo Thanh tra thu thập được từ các cơ quan thực thi pháp luật liên quan, vào ngày 2/11/2016, Phan Xuân Lương cùng với một số đối tượng khác đã lập ra cái gọi là “Biên bản ủy quyền”.

Nội dung của “Biên bản ủy quyền” thể hiện rằng: Những người dân tại xã Ea Kiết nhất trí ủy quyền cho các ông Phan Xuân Lương, Nguyễn Văn Dinh, Nguyễn Hữu Tương và Lê Văn Bình làm người đại diện cho người dân theo đơn kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền liên quan đến hợp đồng sản xuất cà phê với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm.

"Bình phong" của nhóm Phan Xuân Lương gây sức ép với chính quyền. Ảnh: Nhóm PVĐT

Kèm theo “Biên bản ủy quyền” này là một danh sách gồm hàng chục chữ ký mà nhóm đối tượng đi kiện trên cho là “của người dân trong các thôn thuộc xã Ea Kiết”.

Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn trái ngược. Trong danh sách những người được cho có ký tên tại “bản ủy quyền”, nhiều người dân (có đơn gửi các cơ quan chức năng), khẳng định: Họ không biết và không hề ký, nhưng vẫn có tên và chữ ký trong “bản ủy quyền” lạ lẫm và vô lý này!

“Tôi không ủy quyền và không ký trong đơn kiến nghị của ông Phan Xuân Lương và 3 người kèm theo”, ông Trịnh Công Khanh - một người dân xã Ea Kiết khẳng định trong đơn gửi cơ quan chức năng đề ngày 10/11/2016.

Cùng với ông Trịnh Công Khanh là trường hợp các ông Đào Trọng Nam và Bùi Đức Hải - những người nhận khoán sản xuất cà phê với Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm và đều cho rằng đã bị giả mạo chữ ký trong “Biên bản ủy quyền”. Những người này khẳng định, chắc chắn nhóm của Phan Xuân Lương đã cố tình làm giả.

Ngay sau khi nắm trong tay tờ “Biên bản ủy quyền” (trong đó có nhiều chữ ký giả mạo) làm bình phong, nhóm của Phan Xuân Lương lập tức “nặn” đơn, xưng danh “đại diện nhân dân”, gửi các cơ quan như UBND tỉnh Đắk Lắk, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh…  

Những đơn này với cùng một nội dung xoay quanh luận điệu xuyên tạc về nguồn gốc diện tích cà phê mà Nhà nước đã giao cho Công ty Lâm nghiệp Buôn Ja Wầm trồng và quản lý. 

Mục đích mà nhóm đầu đơn hướng đến không ngoài ý đồ: Lôi kéo số đông, tạo điểm nóng, gây bất ổn về tình hình an ninh trật tự tại địa phương, từ đó gây sức ép lên chính quyền để thỏa mãn cái đích sâu xa, vô pháp là: Hợp thức hóa tất cả những mảnh đất lâm nghiệp của Nhà nước từng bị họ lấn chiếm về thẳng tay mình.

Tài liệu từ các cơ quan thực thi pháp luật tại tỉnh Đắk Lắk, cung cấp, khi lập “Biên bản ủy quyền” thì các đối tượng này đã lừa dối người dân rằng chỉ đại diện trong việc đề nghị giảm sản lượng giao khoán do hạn hán. Không ít người dân đã nhẹ dạ, không kiểm tra, đối chứng thông tin, vội vàng đồng ý ký tên, sau này mới hay rằng mình đã bị những kẻ xấu lợi dụng.

Nhiều người dân bức xúc khi bị nhóm Phan Xuân Lương giả mạo chữ ký. Ảnh: Nhóm PVĐT

Liên quan đến hành vi “xúi giục, kích động người dân vi phạm pháp luật” của nhóm người trong đó có Phan Xuân Lương làm đại diện, tại một “Bản tường trình” gửi các cơ quan chức năng đề ngày 10/12/2016, ông Lê Ngọc Tú (trú tại thôn 5 xã Ea Kiết) khẳng định: “Bản thân tôi nghĩ rằng vì năm 2015, do hạn hán nên tôi ký vào đơn kiến nghị cùng đề nghị giảm sản lượng bởi lý do hạn hán. Ngoài ý kiến giảm sản lượng tôi không có kiến nghị nào khác nữa. Nếu ai đó mượn chữ ký của tôi vào những việc khác thì tôi không biết và không chịu trách nhiệm”.

Cùng với việc giả mạo chữ ký, lợi dụng chữ ký của người dân, nhóm các đối tượng “xưng danh đại diện người dân tại xã Ea Kiết” đã thực hiện hàng loạt vụ tụ tập, hủy hoại tài sản, làm bất ổn tình hình an ninh trật tự, tấn công gây thương tích người thi hành công vụ… 

Điều đáng nói là, chính quyền xã Ea Kiết, huyện CưM’gar đã “cố” giải quyết vấn đề một cách ôn hòa, nhiều lần tuyên truyền, vận động người dân không nghe theo sự xúi giục, kích động của kẻ xấu, chấp hành như cam kết trong hợp đồng giao khoán… Tuy nhiên, bất chấp những khuyên giải từ chính quyền các cấp, hàng loạt hành vi vi phạm pháp luật vẫn tiếp tục được nhóm của Lương thực hiện với thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn!  

Dư luận người dân sở tại bức xúc cho rằng, họ (chỉ nhóm đối tượng xúi giục người dân vi phạm) đang cố tình thách thức với luật pháp và công luận?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này trong các bài viết tiếp theo.

Nhóm PV Điều tra