Muốn về thôn Dân Mới, xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, con đường duy nhất phải đi trên bờ đê chống lũ của hồ Đồng Thái và hồ Đồng Sơn. Hiện tại mặt đê chống lũ này nhiều chỗ đã bị bóc, lún do xe quá tải thường xuyên “cày ải”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Chí Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, thôn Dân Mới của xã Yên Đồng được hình thành vào năm 1986 (di dân theo chương trình của tỉnh Ninh Bình). Thời điểm này con đường vào thôn Dân Mới chỉ là bờ đê nhỏ và có đập tràn đi vào khu dân cư. Năm 1991, ông Trần Quang Triệu làm Chủ tịch UBND xã và làm nhà gần đập tràn, có vi phạm đất đai hay không thì UBND xã hiện tại chưa biết và cũng không thấy biên bản xử lý vi phạm.

Đất mà gia đình ông Triệu đang sử dụng có nguồn gốc từ năm 1997 đến nay, thuộc thửa 217/3600, trong đó: 200m2 đất ở, 2.320m2 đất vườn và 1.080m2 ao đã ghi cụ thể trên bản đồ. Tuy nhiên, theo quan sát thì phần gia đình ông trồng tre có che một phần bờ tràn, mắt thường ai cũng thấy được. Vì vậy, mới có đơn thư. Còn, các hộ dân thôn Dân Mới của xã Yên Đồng nói chung, hầu như gia đình ai cũng dôi dư đất đang sử dụng, có hộ thừa ra trên nghìn m2 so với diện tích ghi trên bản đồ. UBND xã Yên Đồng đã nhận được chỉ đạo của UBND huyện Yên Mô về việc thành lập đoàn kiểm tra về nội dung đơn thư. Nếu có kết quả, chúng tôi sẽ trả lời sau. Còn mặt đê bị lún, bóc vì phía trên có mỏ đá tại núi Lợn, nhiều xe chở nặng tránh công an…

leftcenterrightdel
 Nhà ông Trần Quang Triệu có phần lồi… lấn dòng chảy của bờ tràn. Ảnh: CTV Phạm Ngọc

 

Trong khi ông Lê Văn Lượng, công chức địa chính xã Yên Đồng lại cho rằng, hộ ông Trần Xuân Đông (nhiệm kỳ 2015 - 2020 ông Đông làm Chủ tịch UBND xã), hiện là Bí thư Đảng ủy xã. Ông Đông xây dựng nhà ở vào năm 2019 trên bờ đê (nhưng là đường) vào thôn Dân Mới là có thật. Theo quy định tại Khoản 5, Điều 7, Luật Đê điều quy định “không cho phép xây dựng công trình, nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trừ công trình phục vụ phòng, chống lũ, lụt, bão, công trình phụ trợ và công trình đặc biệt”. Như vậy, ông Đông được xây dựng nhà ở kiên cố nhưng phải cách tim đê 15m. Tuy nhiên, công trình nhà ở của hộ ông Đông hiện tại, nếu đo từ nhà để máy xay xát lúa và cổng vào nhà thì chỉ cách tim đê khoảng 7,5m. Như vậy, rất có thể nhà ở kiên cố của ông Đông có một phần nằm vào hành lang đê…

Còn ông Tạ Ngọc Huế, Chánh Văn phòng UBND huyện Yên Mô cho biết: UBND huyện đã nhận được đơn thư tố cáo về ông Trần Xuân Đông, Bí thư Đảng ủy xã và ông Trần Quang Triệu, nguyên Chủ tịch xã Yên Đồng vi phạm Luật Đất đai và Luật Đê điều… UBND huyện đã ra thông báo, chỉ đạo UBND xã Yên Đồng chủ trì, phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Công an huyện Yên Mô kiểm tra, làm rõ.

leftcenterrightdel
 Ông Lê Chí Sơn, Phó Chủ tịch và ông Lê Văn Lượng, cán bộ địa chính làm việc với báo chí. Ảnh: CTV Phạm Ngọc

 

Được biết, thôn Dân Mới hiện nay có trên khoảng 100 hộ di dân ra đây từ năm 1986, tính đến nay đã 35 năm. Hiện, rất nhiều gia đình có nhu cầu san, tách hộ cho con cháu. Nếu các hộ dân này ngang nhiên bám mặt đường giao thông liên xã, vi phạm hành lang đê điều như hộ ông Trần Xuân Đông thì còn đâu là kỷ cương, phép nước.

Đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Ninh Bình vào cuộc, làm rõ và xử lý dứt điểm vụ việc trên.

CTV Phạm Ngọc