Mục đích là theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (gắn với kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo) nhằm xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật; phát hiện khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các quy định pháp luật trái hoặc không còn phù hợp; từ đó kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu việc kiểm tra phải đảm bảo tính khách quan, toàn diện, tuân thủ đúng quy định về phạm vi, đối tượng, thủ tục kiểm tra, không làm ảnh hưởng đến công tác của các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.

Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, các quy định về phạm vi, đối tượng, trình tự thủ tục theo dõi, kiểm tra được quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (gọi tắt là Nghị định số 59/2012/NĐ-CP); Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (gọi tắt là Nghị định số 32/2020/NĐ-CP); Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản QPPL (gọi tắt là Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) và Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật (gọi tắt là Thông tư số 14/2014/TT-BTP);

Xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn hoàn thành, kết quả kiểm tra và trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan trong triển khai thực hiện công việc được giao trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, tránh chồng chéo với các nội dung thanh tra, kiểm tra khác.

Nắm bắt kịp thời để báo cáo cấp có thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện và những quy định chồng chéo, không còn phù hợp được phát hiện trong quá trình kiểm tra để có chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Phạm vi theo dõi tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên phạm vi cả tỉnh thông qua báo cáo của các huyện, thị xã, thành phố và các hoạt động khác. Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (gắn với kiểm tra văn bản QPPL liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo) năm 2022 tại huyện Châu Thành và thành phố Long Xuyên.

Đối tượng là UBND các huyện, thị xã, thành phố; UBND xã, phường, thị trấn và một số tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.

Nội dung theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật bao gồm: Tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản QPPL liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; tình hình tuân thủ pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Đáng chú ý, tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, tập trung vào một số nội dung sau: Việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; đăng ký hoạt động tín ngưỡng; sinh hoạt tôn giáo tập trung; công nhận tổ chức tôn giáo; sửa đổi hiến chương; thay đổi trụ sở, thay đổi tên của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo trực thuộc; giải thể tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; cơ sở đào tạo tôn giáo; phong phẩm, suy cử chức sắc; bổ nhiệm, bầu cử, suy cử chức việc; mở lớp bồi dưỡng về tôn giáo cho người chuyên hoạt động tôn giáo và người không chuyên hoạt động tôn giáo; hội nghị của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; đại hội của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo; cuộc lễ, giảng đạo ngoài cơ sở tôn giáo, địa điểm hợp pháp; hoạt động tôn giáo, hoạt động quan hệ quốc tế về tôn giáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam; người nước ngoài học tại cơ sở đào tạo tôn giáo ở Việt Nam; tham gia hoạt động tôn giáo, đào tạo tôn giáo ở nước ngoài; gia nhập tổ chức tôn giáo ở nước ngoài; phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài; tiếp nhận tài trợ của tổ chức, cá nhân nước ngoài để hoạt động tôn giáo; việc thực hiện các quy định pháp luật về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo...

Các nội dung khác theo quy định của luật và Nghị định số 162: Hiện tượng tôn giáo mới; vấn đề đất đai, xây dựng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo; các hoạt động vi phạm, lệch chuẩn; quản lý Nhà nước đối với các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo đặc biệt là cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo là di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh... Việc thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật bao gồm: Kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo (gắn với kiểm tra văn bản QPPL liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo) năm 2022; xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh giao Sở Nội vụ xác định nội dung, phạm vi, cách thức tiến hành theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương theo Kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện các quy định về kiểm tra thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Tổng hợp kết quả tự kiểm tra tình hình thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và kết quả tự kiểm tra, rà soát văn bản QPPL về tín ngưỡng, tôn giáo do Hội đồng nhân dân, UBND các cấp ban hành, văn bản chứa đựng QPPL liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo do các huyện, thị xã, thành phố gửi về và đề xuất, kiến nghị (nếu có) trình UBND tỉnh xem xét, quyết định. Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp xử lý nếu phát hiện có sai phạm trong thi hành pháp luật và thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.

Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch phối hợp với Sở Nội vụ trong việc triển khai thực hiện các nội dung, hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật theo kế hoạch này. Cử công chức tham gia đoàn kiểm tra; tạo điều kiện để công chức hoàn thành nhiệm vụ của thành viên đoàn kiểm tra đảm bảo yêu cầu kế hoạch đề ra.

UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn quản lý và tự kiểm tra, rà soát văn bản QPPL liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo và gửi báo cáo về Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ trước ngày 30/9/2022 để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Ban Tôn giáo Chính phủ theo quy định.

Lan Vy