Mục đích của kế hoạch là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng và hiệu quả xử lý các vấn đề liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo tại địa phương.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu việc bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh phải được tiến hành hàng năm nhằm đảm bảo mục tiêu 80% cán bộ, công chức làm công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo (cả chuyên trách và kiêm nhiệm) ở cấp tỉnh, huyện, xã; ở cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội của các cấp trên địa bàn tỉnh được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về tín ngưỡng, tôn giáo; các kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tế khi xử lý các vụ việc phức tạp, điểm nóng liên quan đến lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.

Đối tượng được bồi dưỡng là cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện và các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp tỉnh, huyện (cụ thể: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam...); cán bộ, công chức kiêm nhiệm làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở cấp xã.

Tỉnh sẽ tổ chức bồi dưỡng cho khoảng 548 cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, cấp tỉnh khoảng 22 người; cấp huyện và cấp xã: khoảng 526 người.

Tiến độ thực hiện kế hoạch

Cử cán bộ công chức tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức theo kế hoạch của Bộ Nội vụ và Ban Tôn giáo Chính phủ triệu tập.

Năm 2022: Mở 01 lớp bồi dưỡng chuyên sâu cho cán bộ, công chức xã làm công tác quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; số lượng 204 người.

Năm 2023 - 2026: Mỗi năm mở 01 lớp bồi dưỡng cho cán bộ, công chức cấp huyện và 01 lớp cho cán bộ, công chức kiêm nhiệm làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo ở cấp xã.

Thời gian bồi dưỡng: Từ 03 đến 05 ngày/01 lớp (hoặc thực hiện theo chương trình, nội dung do cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Nội dung tập huấn, bồi dưỡng đối với công tác tín ngưỡng là phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng.

Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ quản lý Nhà nước về tín ngưỡng gồm: Đăng ký hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng; bầu, cử người đại diện hoặc thành viên ban quản lý cơ sở tín ngưỡng; tổ chức lễ hội tín ngưỡng; quyên góp, quản lý và sử dụng tài sản của cơ sở tín ngưỡng; cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, di dời công trình tín ngưỡng...

Cập nhật kiến thức, kinh nghiệm giải quyết đối với các hành vi lợi dụng tín ngưỡng hoạt động vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, xã hội.

Tập huấn, bồi dưỡng công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa những vụ việc phức tạp, điểm nóng về tín ngưỡng.

Tập huấn, bồi dưỡng công tác vận động quần chúng, xây dựng mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và đầu mối ban quản lý, người đứng đầu cơ sở tín ngưỡng, đặc biệt trong vùng có nhiều loại hình tín ngưỡng.

Đối với công tác tôn giáo, nội dung tập trung vào việc phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.

Cập nhật thông tin về tình hình tôn giáo, trao đổi kinh nghiệm xử lý các vụ việc phức tạp, điểm nóng liên quan đến lĩnh vực tôn giáo.

Tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ về công tác tôn giáo, góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu về công tác tôn giáo nói chung và công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo nói riêng.

Chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng thực hiện khung chương trình, tài liệu tập huấn theo hướng dẫn của Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ; đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh, cập nhật, hoàn thiện các khung chương trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng phù hợp với từng nhóm đối tượng, cấp quản lý, địa bàn quản lý, đặc thù tín ngưỡng, tôn giáo theo vùng miền, đảm bảo tính ứng dụng cao trong thực tiễn và xử lý các vấn đề phức tạp trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo.

Lãnh đạo tỉnh Kon Tum giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tôn giáo Chính phủ, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức, triển khai thực hiện kế hoạch này theo đúng quy định hiện hành, đảm bảo hiệu quả và chất lượng. Chủ trì theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ hoặc đột xuất, tổng hợp tham mưu báo cáo cấp thẩm quyền về kết quả triển khai và tham mưu tổ chức sơ kết, tổng kết kế hoạch theo đúng quy định.

Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) tổ chức mở lớp bồi dưỡng cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch đề ra theo đúng quy định hiện hành.

Các cơ quan liên quan và các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) triển khai thực hiện tốt, có hiệu quả các nội dung được nêu tại kế hoạch này. Phối hợp với Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) trong việc lập danh sách, cử cán bộ, công chức tham dự các lớp bồi dưỡng đúng đối tượng, đủ số lượng theo kế hoạch được giao…