Mục tiêu chung của kế hoạch là nâng cao, cập nhật kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân tộc. Góp phần thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội theo chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tối thiểu 80% cán bộ, công chức, viên chức thuộc nhóm đối tượng 2, nhóm đối tượng 3, nhóm đối tượng 4 của địa phương được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức dân tộc.

Đối tượng của kế hoạch là cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp theo dõi công tác dân tộc, chuyên trách làm công tác dân tộc; cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đối tượng thuộc lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm 2 nhóm đối tượng sau:

Nhóm đối tượng 3: Trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh tham mưu, theo dõi về công tác dân tộc; trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn cấp huyện; trưởng, phó ban ngành trực thuộc các huyện/thành ủy; bí thư, phó bí thư Đảng ủy xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã); chủ tịch, phó chủ tịch HĐND cấp xã; chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã; hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học nội trú, bán trú, lực lượng công an, quân đội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Nhóm đối tượng 4: Công chức, viên chức trực tiếp tham mưu, theo dõi về công tác dân tộc ở cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức cấp xã; bí thư chi bộ, trưởng thôn; lực lượng công an, quân đội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phạm vi áp dụng là các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Nội dung chương trình bồi dưỡng gồm các chuyên đề lý thuyết về kiến thức dân tộc, văn hóa dân tộc thiểu số, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; viết thu hoạch cuối khóa.

Số lượng 2.671 người. Trong đó, nhóm đối tượng 3 có 08 lớp (02 lớp/năm; 307 học viên); nhóm đối tượng 4 có 58 lớp (14 lớp/năm/2.364 học viên).

Bình quân 40 học viên/lớp.

Lãnh đạo tỉnh giao Ban Dân tộc căn cứ nội dung kế hoạch, chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương rà soát, lập, phê duyệt và kế hoạch hàng năm, tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Cụ thể: Chủ trì, phối hợp với Học viện Dân tộc tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc lớp dành cho báo cáo viên, giảng viên. Chủ trì, phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3 và 4; lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện bồi dưỡng kiến thức dân tộc theo định kỳ, đột xuất theo quy định.

Trường Chính trị tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc trong việc triển khai tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức nhóm đối tượng 3 và 4; lực lượng công an, quân đội công tác, đóng quân trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức viết thu hoạch khóa bồi dưỡng và cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành chương trình bồi dưỡng.

Sở Nội vụ phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.

Quy định cụ thể kết quả bồi dưỡng kiến thức dân tộc là một trong các tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; Công an tỉnh; các sở, ngành của tỉnh và UBND các huyện, thành phố phối hợp với Ban Dân tộc cử cán bộ, công chức, viên chức tham dự các lớp bồi dưỡng đảm bảo đúng đối tượng, số lượng và thời gian quy định để đạt kết quả theo kế hoạch hàng năm của UBND tỉnh.

Thanh Lương