Câu lạc bộ của những phụ nữ

Cũng vì tò mò về những người phụ nữ Mông giỏi giang mà nhiều người đã đến bản Huồi Viêng để tìm hiểu. Và họ đã không thất vọng khi được biết nhiều hơn về công việc của những người phụ nữ nơi đây.

Huồi Viêng là bản có vị trí quan trọng trong phòng thủ bảo vệ vùng biên của xã Đoọc Mạy, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Bản có 93 cán bộ, hội viên, phụ nữ người Mông; trong đó, 30 chị là thành viên Câu lạc bộ (CLB) “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia”.

Được thành lập vào năm 2017, đến nay, CLB định kỳ 3 tháng 1 lần sinh hoạt với các nội dung tuyên truyền, vận động chị em, bà con nhân dân chấp hành tốt các quy định của pháp luật liên quan đến biên giới quốc gia, khuyến cáo nhân dân không vi phạm quy chế biên giới, xuất, nhập cảnh trái phép; không sa vào tệ nạn xã hội như ma túy, buôn bán phụ nữ, tham gia xây dựng bản, làng văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh...

Qua các buổi sinh hoạt, các thành viên CLB là phụ nữ Mông đều ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ, giữ gìn an ninh biên giới. Mỗi khi đi nương, đi rẫy phát hiện điều gì bất thường chị em đều kịp thời báo cho chính quyền và lực lượng chức năng để xử lý.

Hội viên CLB còn tham gia công tác tuần tra đường biên, cột mốc, bảo vệ biên giới với lực lượng biên phòng đóng chân trên địa bàn.

CLB phối hợp cùng bộ đội biên phòng nắm tình hình, phối hợp với các đồn biên phòng tuyên truyền vận động người dân chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước, không vi phạm pháp luật như: Buôn bán người, không buôn bán ma túy, tệ nạn cờ bạc. Điển hình, CLB Phụ nữ bản Huồi Viêng phối hợp với Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Na Loi, trao đổi tình hình, cùng bộ đội biên phòng tuyên truyền cho nhân dân về tầm quan trọng của đường biên, trách nhiệm của mọi người bảo vệ biên giới vững chắc trong mọi tình huống, giữ mối đoàn kết lâu đời, bền chặt với người dân nước bạn.

Cùng với đó, các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới huyện Kỳ Sơn thời gian qua cũng đã phối hợp chặt chẽ với địa phương phổ biến pháp luật bằng tiếng phổ thông và tiếng mẹ đẻ, với nhiều hình thức trực quan, sinh động giúp người dân dễ nghe, dễ hiểu, nên đạt kết quả tốt. Nhờ được học tập mà bà con sống dọc biên giới không những tham gia tốt công tác bảo vệ đường biên, cột mốc mà còn cung cấp cho bộ đội biên phòng nhiều thông tin đặc biệt quan trọng như các đường dây buôn lậu ma túy, buôn người qua biên giới.

Từ khi có dịch Covid-19 xảy ra đồng bào cùng với các tổ chốt bộ đội biên phòng và quân sự bảo vệ vững chắc đường biên, các vụ thâm nhập đường biên trái phép đều được ngăn chặn và bắt giữ.  

leftcenterrightdel
 

Các chị cũng là tuyên truyền viên tích cực động viên người thân trong gia đình, bà con dân bản chấp hành nghiêm các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước, của địa phương, thực hiện tốt các quy định trong phòng, chống dịch Covid-19. Tích cực tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hoạt động khác tại địa phương...

Sau 5 năm hoạt động, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, của Hội Phụ nữ xã và Đồn Biên phòng Na Loi, CLB đã có nhiều sáng kiến trong hoạt động để thu hút hội viên tham gia như: Xây dựng mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” hỗ trợ phụ nữ khó khăn.

Với những cách làm hay, thiết thực mà từ gia đình đến các thôn xóm, tình hình an ninh trật tự ngày càng được đảm bảo. Những vụ nghe theo lời dụ dỗ của người lạ để bị bán hay các tệ nạn chích hút ma túy trong bản đã được hạn chế đáng kể. Những hủ tục lạc hậu như tảo hôn hay tự tử bằng lá ngón cũng giảm mạnh. Cùng với đó, đời sống sinh hoạt văn hóa của đồng bào ngày càng trở nên lành mạnh. Đặc biệt, liên quan đến tình hình an ninh biên giới cũng được chị em phụ nữ giám sát chặt chẽ, nhờ vậy mà số vụ việc phức tạp trong thời gian gần đây không còn.

Cuộc sống mới nơi bản xa

CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” của chị em bản Huồi Viêng được biết đến không chỉ tham gia bảo vệ an ninh trật tự bản làng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia mà còn là sự mạnh dạn đổi mới tư duy giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống.

Mô hình trồng rau xanh của chị em trong CLB được xem là một trong những kết quả của việc cùng giúp nhau để vượt khó vươn lên.

Chị Vừ Y Ca - Chủ nhiệm CLB cho biết, sau nhiều trăn trở, Ban Chủ nhiệm CLB quyết định chia làm 2 nhóm để phát triển kinh tế tùy theo nguyện vọng và điều kiện thực tế của chị em. Nhóm 1 gồm 10 hội viên sẽ góp 1 người 1 triệu đồng để ủng hộ nhau mua bò giống. Đến nay, sau 5 năm nhóm đã mua được 10 con bò cho 10 hội viên, với tổng trị giá hơn 150 triệu đồng. Bò phát triển tốt, một số con đã sinh sản. Nhóm 2 đông hơn, gồm 20 hội viên tận dụng triền núi, triền đồi thực hiện mô hình trồng rau, chủ yếu là rau cải Mông và dưa sạch, trung bình mỗi năm cho thu hoạch khoảng 100 triệu đồng. Tổng thu nhập những năm trước cho đến nay hơn 450 triệu đồng.

CLB thực hiện mô hình trồng rau, dưa trên rẫy mỗi vụ thu hoạch trên dưới 200 triệu đồng, số tiền này cho chị em có hoàn cảnh khó khăn vay phát triển kinh tế. CLB thực hiện hũ gạo giúp hội viên nghèo, mỗi ngày 1 hội viên tiết kiệm 1 nắm gạo, mỗi tháng câu lạc bộ thu được trên 30 kg, giúp hội viên thiếu ăn. CLB không có hội viên nào để con bỏ học giữa chừng, gia đình vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội.   

Những việc làm của chị em ở bản Huồi Viêng đã được lãnh đạo các cấp từ thôn bản đến xã, huyện đánh giá rất cao. Ông Vi Văn Khuôn - Bí thư Đảng ủy xã Đoọc Mạy nhìn nhận: Với nhiều hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực, CLB “Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia” bản Huồi Viêng đã giúp nhiều gia đình hội viên phát triển kinh tế, ổn định đời sống, đồng thời, góp phần bảo vệ an ninh, trật tự bản, làng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Với những nỗ lực của chị em phụ nữ cùng các đơn vị khác, sự cố gắng chung lòng của các cấp chính quyền địa phương bộ mặt thôn bản đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên. Đặc biệt người dân đã có ý thức chuyển đổi sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt. Mọi người dân có thức bảo vệ đường biên, cột mốc là trách nhiệm của mình, vì đây là phên dậu của đất nước, của Tổ quốc.

Để cuộc sống người dân được nâng cao hơn nữa, Huồi Viêng nói riêng và cả xã Đoọc Mạy cần tiếp tục nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là có những giải pháp kịp thời cũng như dài hạn nhằm bổ sung, giáo dục những kiến thức về pháp luật cho quần chúng nhân dân. Có như vậy, sự phát triển của thôn bản, xã mới có thể đi lên một cách bền vững.