Theo kế hoạch, Đảng Đoàn, Ban Thường trực tổ chức 4 hội nghị để xin ý kiến của Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam; các hội đồng tư vấn; các tổ chức thành viên; các nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài. 

Tại hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam nêu rõ, việc tham gia ý kiến của các đại biểu là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xa hơn là năm 2045, góp phần nâng cao chất lượng dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng; làm cho ý Đảng hợp với lòng dân… tạo sự thống nhất cao về nhận thức, hành động và ý chí quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra. 

leftcenterrightdel
Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: QV 

Thiếu tướng Võ Sở, Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, giáo dục và đào tạo tuy có bước phát triển nhưng quá chậm; lĩnh vực bảo vệ tài nguyên môi trường còn nhiều sai sót, môi trường chưa tốt, tài nguyên còn bị vi phạm nhiều, trong đó việc xây dựng quá nhiều thủy điện gần như xuyên suốt ở các tỉnh miền núi gây nhiều thảm họa trong mùa lũ.

Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy đã tiếp tục hoàn thiện nhưng việc vi phạm của các cơ quan pháp quyền vi phạm pháp luật còn nhiều, đến mức phải xử lý như ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…

Về công tác xây dựng Đảng, cần thường xuyên kiện toàn các cấp ủy, tiếp tục nêu gương của Ban Chấp hành Trung ương, của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và các Uỷ viên Trung ương, nhất là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các Bí thư Chi bộ.

Đặc biệt phải loại trừ bằng được “phe nhóm” trong lãnh đạo, quản lý; kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng, Thiếu tướng Võ Sở nhấn mạnh.

Giáo sư Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam ý kiến, báo cáo đã có những đánh giá toàn diện, khá rõ về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII, chỉ ra những nguyên nhân thành công hay chưa thành công và rút ra những kinh nghiệm cần lưu ý cho nhiệm kỳ sắp tới. Tuy nhiên, những đánh giá này thiên về định tính khái quát mà chưa đi sâu vào đánh giá thực trạng, chưa làm rõ bản chất của các hiện tượng.

Giáo sư Dong tâm tư, trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng mà không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào?

Các văn kiện bảo cần làm rõ việc giáo dục đã tiến bộ, sâu sắc hơn trước cụ thể thế nào và còn những vấn đề gì. Chẳng hạn, dự thảo nói “Chương trình Sách giáo khoa phổ thông đang được triển khai đúng lộ trình”; điều này “đúng mà không đúng”, cần đi sâu vào bản chất xem “quần chúng mong muốn gì ở sách giáo khoa”, giáo sư Dong đề nghị.

Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”, bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; quản lý Nhà nước đối với giáo dục hiện nay cần phải tập trung, không nên phân tán. Chính vì vậy, dự thảo cần ghi thêm rằng: “Quản lý Nhà nước, nhất là quản lý hệ thống các trường cao đẳng, đại học còn phân tán”.

Liên quan đến vấn đề phụ nữ và bình đẳng giới, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho rằng, đối với các nhóm phụ nữ tiên phong như quản lý, lãnh đạo, trí thức, doanh nhân, văn nghệ sĩ, vận động viên... so sánh Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng toàn quốc XII với Dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII, Văn kiện Đại hội XII có nêu: “Tạo điều kiện để phụ nữ phát triển tài năng”, nhưng ở phần đánh giá của Dự thảo Văn kiện mới chỉ đánh giá kết quả thực hiện bình đẳng giới và công tác trẻ em, không đề cập đến công tác cán bộ nữ hoặc phụ nữ tham gia lãnh đạo, mặc dù nhiệm kỳ này đã có những bước tiến đáng kể về vấn đề phụ nữ tham chính. Vì vậy, cần bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ trong phần IV về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người…

Về nội dung tại phần II về tầm nhìn và định hướng phát triển, theo Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, phần dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tới nên phân tích sâu thêm những thuận lợi và cơ hội của bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, như các nước chú trọng hơn tới việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững; những thành tựu của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, từng bước khẳng định được hình ảnh, vị thế của một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Góp ý vào vấn đề phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, ông Đinh Khắc Đính, Phó Cchủ tịch Hội Nông dân Việt Nam đề nghị, dự thảo cần nghiên cứu, điều chỉnh bổ sung để hướng tới nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh hiện đại.

Đối với Dự thảo Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, ông Đính kiến nghị bên cạnh phương hướng nhiệm vụ phát triển một nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ cần bổ sung thêm yếu tố bền vững, bởi cùng phát triển nhanh thì đây là mục tiêu quan trọng để xây dựng một nền nông nghiệp không còn rơi vào tình trạng được mùa mất giá.

Bày tỏ nhất trí cao với mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao và nâng cao chất lượng đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm, ông Vũ Mạnh Tiêm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kỳ vọng Nghị quyết đi vào cuộc sống, bởi việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã được nhiều lần xác định là khâu đột phá nhưng sự đột phá còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị này, ông Trần Thanh Mẫn đề nghị thời gian tới, các tổ chức thành viên phối hợp cùng với MTTQ các cấp tiếp tục quan tâm, theo dõi, nắm bắt tình hình để chăm lo đời sống cho đồng bào, đưa ra phương án phù hợp để cùng với bà con chủ động phòng ngừa bão lũ có thể tiếp tục đổ bộ vào miền Trung. Từ đó, giúp bà con sớm ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất, kinh doanh, vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh khi cơn lũ đi qua.

Đồng thời ông Mẫn cũng đánh giá cao sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân đã kịp thời ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt những ngày qua.

Thanh Thanh