Báo cáo tại Đại hội nêu rõ, trong nhiệm kỳ VI (2015 - 2020), Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam luôn thấm nhuần, vững tin, đoàn kết thống nhất trong mọi hoạt động chuyên môn, có nhiều đóng góp mới trong tổ chức thực hiện, trong nội dung chuyên môn, tạo không khí đổi mới qua các sự kiện nghệ thuật múa với những đóng góp có giá trị.

Trong nhiệm kỳ qua, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cũng hoàn thành tốt và xuất sắc các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, các hoạt động nghệ thuật mang tính xã hội sâu rộng, bao quát và nắm được toàn bộ tiến trình phát triển nghệ thuật múa Việt Nam trên cả nước. Phát huy tốt, linh hoạt, cập nhật kịp thời, thích ứng, chủ động trong các mối quan hệ đa dạng trên tinh thần xây dựng, phát triển văn hoá dân tộc nói chung và nghệ thuật múa nói riêng trong giao lưu, hội nhập.

Trong công tác nghiên cứu lý luận, phê bình, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều cuộc hội thảo khoa học có ý nghĩa, đặc biệt các cuộc hội thảo chuyên đề bàn sâu về lĩnh vực sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình đã thu hút đông đảo hội viên tham gia.

Trong lĩnh vực sáng tác, Hội đã bám sát những nội dung cơ bản của các nghị quyết văn hoá, văn nghệ, các mục tiêu, định hướng của Đảng, tập trung khai thác các mảng đề tài lớn như: Chiến tranh cách mạng (giai đoạn 1930 - 1975); học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề tài về biển đảo, về cuộc sống đương đại, về truyền thống văn hoá dân tộc; khuyến khích các biên đạo đi sâu khai thác, phản ánh những tấm gương chiến đấu, hy sinh dũng cảm của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo; chống các khuynh hướng phản động, tiêu cực, những tệ nạn xã hội cản bước tiến của dân tộc trong quá trình hội nhập, phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá, phổ biến tác phẩm, công trình nghệ thuật luôn bám sát chủ trương, định hướng của Đảng. Trong nhiệm kỳ qua, Hội phối hợp với các địa phương, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, trong các chương trình lễ hội, sự kiện văn hoá, thể thao trong và ngoài nước... nhiều chương trình nghệ thuật được giới thiệu, quảng bá với quy mô lớn, huy động hàng nghìn diễn viên thuộc các đơn vị nghệ thuật của trung ương và địa phương...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong nhiệm kỳ qua, hoạt động của Hội vẫn còn tồn tại một số những hạn chế khuyết điểm cần khắc phục, như lãnh đạo Hội chưa thực sự nhạy bén, chưa có những định hướng kịp thời mang tính chuyên sâu góp phần cho cá nhân hoặc phong trào tiếp thu điều chỉnh; công tác phê bình còn yếu kém, đội ngũ mỏng, nghiệp vụ chưa cao, chưa có những đánh giá phân tích khách quan, khoa học.

Ngoài ra, một số tiêu chí thẩm định, đánh giá chất lượng, giá trị các sản phẩm sáng tạo, lao động nghệ thuật múa đôi khi còn chưa có sự thống nhất cao, chưa phản ánh được tính khách quan, khoa học, chưa phù hợp trước sự thay đổi và yêu cầu của hiện thực đời sống, chưa phù hợp với thực tế đời sống sân khấu múa.

Trong nhiệm kỳ tới, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam sẽ chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động chuyên môn nghệ thuật múa, trong đó chú trọng đổi mới hình thức tổ chức trại sáng tác, nội dung phong phú đa dạng hơn, cập nhật những kiến thức mới về văn hoá, chuyên môn, lịch sử, chính trị, những vấn đề thời cuộc có liên quan đến lĩnh vực sáng tác múa;

Nâng cao chất lượng sáng tác múa bằng các hình thức khác nhau; xây dựng quy chế với những tiêu chí cụ thể, rõ ràng có tính chuyên môn cao phục vụ cho việc thẩm định, đánh giá các sản phẩm sáng tạo nghệ thuật múa thật công tâm, khách quan, khoa học mang ý nghĩa tích cực, góp phần động viên, cổ vũ toàn thể hội viên.

Bên cạnh đó, Hội cũng chọn lọc những tác phẩm múa tiêu biểu giới thiệu đến đông đảo quần chúng khán giả trong và ngoài nước; đẩy mạnh chất lượng đào tạo, quảng bá giới thiệu nghệ thuật múa; đẩy mạnh công tác đối ngoại...

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận và khẳng định: Các nghệ sĩ múa Việt Nam đã kế thừa truyền thống dân tộc từ nhiều năm, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần vào thành tựu, chiến thắng của dân tộc và làm giàu thêm kho tàng văn hóa nước nhà, để Việt Nam tự hào là dân tộc có một nền văn hiến rực rỡ.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng Hội đã có những bước phát triển rất chắc chắn.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng gửi lời tri ân các nghệ sỹ lão thành, những tấm gương suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp xây dựng văn hóa đất nước, đã để lại những tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, nghệ thuật muốn sống được thì phải lan tỏa vào đời sống, mục đích của chúng ta là xây dựng một nền văn hóa Việt Nam và xây dựng con người Việt Nam chân, thiện, mỹ. Các nghệ sỹ cần cố gắng hơn nữa trong việc phát triển và đưa nghệ thuật lan tỏa trong đời sống, đây là nhiệm vụ khó khăn, cần có sự tham gia của giới nghệ sỹ nói chung, của Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam riêng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng mong rằng các cấp ủy Đảng chính quyền, mà trực tiếp là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có sự quan tâm sâu sắc hơn tới Hội và đội ngũ nghệ sĩ.

Phó Thủ tướng cho rằng, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam cần quan tâm đầu tư hơn nữa việc đào tạo nghệ thuật cho các nghệ sỹ; chăm lo cho nghệ sĩ để làm sao nghệ sĩ có thể sống bằng lao động nghệ thuật; đồng thời chú trọng đào tạo mạnh mẽ hơn đội ngũ nghệ sĩ kế cận.

Trong hoạt động nghệ thuật, cần phải kết hợp truyền thống với công nghệ mới. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, hiện nay, tất cả các động tác múa đã được mô hình hóa, trình chiếu bằng công nghệ để hướng dẫn các học sinh, kể cả những người học nghiệp dư một cách rất thuần túy.

“Tôi mong rằng trong nhiệm kỳ tới này, Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam cần quan tâm đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ kết hợp với nghệ thuật truyền thống để phát triển và lan tỏa sâu hơn nữa nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng trong xã hội”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Đại hội Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ khóa VII gồm 15 thành viên. NSND Phạm Anh Phương được bầu là Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).

Thái Hải