Theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương, việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được tiến hành từ ngày 20/10 đến hết ngày 10/11/2020.

Hướng tới đến dấu mốc phát triển quan trọng của Việt Nam, Dự thảo Báo cáo Chính trị đưa ra mục tiêu, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Cùng với đó, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định.

Cụ thể là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2001 - 2025 đạt khoảng 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2025, GDP bình quân đầu người khoảng 4.700 - 5.000 USD; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt khoảng 45%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm…

Phát biểu bế mạc tại hội nghị Trung ương hồi đầu tháng 10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, Dự thảo Báo cáo Chính trị lần này dành ra một mục riêng đề cập đến 5 quan điểm chỉ đạo; nhấn mạnh không chỉ "kiên định và vận dụng" mà còn phải phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Dự thảo Báo cáo Chính trị đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ chiến lược 10 năm 2021 - 2030, sáu nhiệm vụ trọng tâm, ba đột phá chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục đổi mới, phát triển các ngành, lĩnh vực cụ thể.

Trong đó, ba đột phá chiến lược do Đại hội lần thứ XI, XII xác định có ý nghĩa, giá trị lâu dài, vẫn còn nguyên giá trị nhưng đã được bổ sung, cụ thể hoá cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới.

Các đột phá chiến lược này gồm: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển; phát triển nguồn nhân lực; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.

Dự thảo Văn kiện được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc thông qua hội thảo, tọa đàm, hội nghị, sinh hoạt của các tổ chức chính trị xã hội, học viện, nhà trường và cơ quan, đơn vị Nhà nước.

Người dân có thể tham gia góp ý trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị xã hội, các hội thảo, tọa đàm khoa học; hoặc gửi thư góp ý kiến tới cấp ủy Đảng các cấp và các cơ quan báo chí...

Sau khi lấy ý kiến nhân dân, Dự thảo Văn kiện tiếp tục được hoàn thiện để trình hội nghị Trung ương 14 xem xét, cho ý kiến hoàn chỉnh để trình Đại hội XIII của Đảng.

Các Dự thảo Văn kiện được công bố lấy ý kiến nhân dân gồm:

- Báo cáo Chính trị tại Đại hội XIII của Đảng

- Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030;

- Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025

- Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII. 

Hương Giang