Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X chính thức khai mạc sáng nay (10/12) với sự tham dự của 2.300 đại biểu, gồm 280 đại biểu khách mời và 2.020 đại biểu chính thức.

Mọi thành quả của nước ta gắn liền với phong trào thi đua yêu nước

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh công tác thi đua khen thưởng có “tầm trọng quan trọng đặt biệt”.

Cho nên, không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, trong hoàn cảnh đất nước vô vàn khó khăn, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời Kêu gọi thi đua ái quốc.

"Thi đua là yêu nước; yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất", Tổng Bí thư nhắc lại lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Tổng Bí thư, sự thành công trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của nhân dân ta trong hơn 70 năm qua đã khẳng định giá trị đúng đắn, sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng chủ đạo của Đảng ta về thi đua yêu nước.

“Có thể nói, mọi thành quả của cách mạng nước ta đều gắn liền với việc tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khái quát.

5 năm qua, đất nước có nhiều thời cơ thuận lợi để phát triển, song cũng phải  đối  mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đặc biệt, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng diễn biến rất phức tạp khó lường đã ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến hầu hết các lĩnh vực...

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai bão lũ đã tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

Nhưng nhờ có sự đoàn kết nỗ lực phấn đầu chung sức đồng lòng, đóng góp to lớn bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, được coi là điểm sáng về phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh, “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Theo Tổng Bí thư, đạt được những thành tích đó, có sự đóng góp tích cực của các phong trào thi đua yêu nước.

Rất nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu đã được triển khai thực hiện. Từ đó, đã xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, gương điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực và khắp mọi miền của Tổ quốc.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục trong công tác thi đua, khen thưởng.

“Hạn chế lớn nhất là còn nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả”, Tổng Bí thư nói.

Việc tuyên truyền, tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm. Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp còn chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế...

Phong trào thi đua phải tránh hình thức

Thời gian tới dự báo tình hình thế giới và khu vực sẽ còn những diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, khó khăn, thách thức còn nhiều…

Từ đó, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để công tác thi khen thưởng thực sự là động lực, là biện pháp góp phần tăng cường xây dựng Đảng, hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, thật sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tổ chức các phong trào thi đua cần có mục tiêu thiết thực, cụ thể, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế của từng bộ, ban, ngành, từng địa phương, cơ quan đơn vị và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức, lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt.

“Tôi muốn nói là tránh hình thức. Còn nhiều việc vẫn hình thức lắm. Làm sao cho thật thiết thực, mang lại hiệu quả cụ thể”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, các phong trào thi đua cần có nội dung tiêu chí cụ thể, rõ ràng để dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát.

Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ và thực chất, bảo đảm khen thưởng chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, có tác dụng giáo dục, nêu gương.

“Thi đua là để đào tạo, rèn luyện và xây dựng con người mới. Tôi nhắc lại, Tránh hình thức”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh và đề nghị, sau Đại hội, hơn 2.000 đại biểu tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt trong các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, địa phương, đơn vị; những cách làm hay, kinh nghiệm tốt nhanh chóng được lan tỏa sâu rộng đến cộng đồng, xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đề nghị, đội ngũ những người làm công tác thi đua khen thưởng cần có phẩm chất đạo đức trong sáng, bản lĩnh chính trị, vững vàng, nắm giữ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thi đua khen thưởng.

“Đặc biệt là cần hết sức công tâm, khách quan, trong sáng”, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư tin tưởng, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong cả nước, công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước thời gian tới nhất định sẽ có nhiều thành công mới, tạo ra động lực mới quan trọng, góp phần quan trọng tiến trình đẩy mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hương Giang