Thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức đối với người thầy thuốc được thể hiện rất rõ trong bức thư của Người gửi Hội nghị cán bộ y tế vào  năm 1953. Tại hội nghị y tế ngày 27/2/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi thư “góp vài ý kiến” để các đại biểu thảo luận. Bức thư thể hiện một cách toàn diện hệ thống tư tưởng của Người về y đức. Người nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu”.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu "thầy thuốc phải như mẹ hiền", trong những năm qua, toàn ngành Y tế nỗ lực vượt nhiều khó khăn, thực hiện có hiệu quả sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Các chỉ tiêu sức khỏe của nhân dân được nâng lên rõ rệt và cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập. Những tri thức tiên tiến của y học thế giới được cập nhật thường xuyên. Phương tiện hiện đại và thuốc chữa bệnh được tăng cường. Thầy thuốc lại được đào tạo bài bản hơn. Mạng lưới y tế cơ sở đạt nhiều thành tựu quan trọng. 80% số thôn bản có nhân viên y tế hoạt động, 100% số xã có trạm y tế ; trong đó gần 2/3 xã đạt chuẩn quốc gia.

Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam xếp vào loại cao trong khu vực Đông Nam Á, thậm chí cao hơn hẳn so với các nước có cùng mức thu nhập.

Công tác chữa bệnh cũng có nhiều kết quả đáng tự hào, nhiều chứng bệnh nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả, nhiều kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng không chỉ ở tuyến bệnh viện Trung ương mà còn được phổ biến đến các bệnh viện tuyến dưới.

Ngành Y tế đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao lần đầu tiên ở Việt Nam như ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư, kỹ thuật ghép tạng vươn tầm thế giới, sử dụng robot trong mổ nội nhi khoa, phẫu thuật tim hở có nội soi hỗ trợ trong thay và sửa van tim, vá các dị tật trong tim...

Nhiều bác sỹ của Việt Nam được bạn bè, đồng nghiệp quốc tế đánh giá cao nhờ những kỹ thuật khó, điều trị được nhiều bệnh hiểm nghèo. Đáng lưu ý, Việt Nam là quốc gia thứ 2 trên thế giới có nền y học cổ truyền phát triển và Đông Tây y được kết hợp, triển khai rộng khắp từ Trung ương đến trạm y tế xã.

Đến nay, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm, bảo hiểm y tế, năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sỹ đều có bước phát triển.

Những thành tựu quan trọng trong phát triển mạng lưới y tế, dự phòng bệnh tật, khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, từng bước củng cố, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở và đổi mới phương thức hoạt động, năng lực dự báo, giám sát và phòng chống dịch bệnh của các cơ sở y tế dự phòng, phòng và khống chế được các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã được thế giới ghi nhận.

Không chỉ nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, ngành Y tế còn có đóng góp ngày càng tích cực vào sự phát triển của y học thế giới. Những đóng góp to lớn của ngành Y tế đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng các phần thưởng cao quý.

Đặt lợi ích sức khỏe của người dân lên trên

Đạo đức nghề, phong cách, thái độ phục vụ và trình độ chuyên môn của đội ngũ những người công tác trong ngành Y tế được chú trọng, nâng cao, xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương y, bác sĩ tận tuỵ chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng, ghi nhận.

Hơn 65 năm qua, lời dạy của Bác vẫn là kim chỉ nam cho ngành Y tế trong xây dựng và phát triển. Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam luôn tự hào về những gương sáng của ngành Y như Hoàng Tích Chí, Phạm Ngọc Thạch, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ…

Đặc biệt, mỗi khi dịch bệnh bùng phát, những chiến sĩ áo trắng không quản ngại gian khó, lại tiếp tục trận chiến của mình, mang lại sự bình yên cho đất nước, nhân dân, trong đó, quyết tâm phòng, chống COVID-19 là một minh chứng sinh động.

Ngoài việc thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, học tập nghiên cứu để ứng dụng những thành tựu khoa học mới vào công tác khám chữa bệnh, nhiều cán bộ y tế còn tích cực tham gia những hoạt động của Hội Thầy thuốc trẻ, phong trào đoàn thanh niên, công đoàn… tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để đến với đồng bào vùng sâu, vùng xa, khám bệnh, cấp thuốc và tư vấn miễn phí cho nhân dân; tham gia hiến máu tình nguyện và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa... những việc làm đó đã ngày càng tô thêm vẻ đẹp của người cán bộ ngành Y, góp phần không nhỏ vào những thành tích đạt được trong những năm qua của ngành Y tế.

Tuy nhiên, hiện nay ngành Y tế nước ta cũng đang phải đối mặt với những khó khăn thách thức như sự phát triển chưa đồng đều ở mỗi cấp, vùng, miền. Việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và sự công bằng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân chưa đảm bảo.

Đặc biệt, trong cơ chế thị trường hiện nay, ở đâu đó vẫn có một bộ phận thầy thuốc có biểu hiện nhũng nhiễu với người bệnh, quên đi sự nghiệp lớn là chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân mà nhiều thế hệ cha, anh đã dày công vun đắp.

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2021 và sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhắc lại ba nội dung hết sức quan trọng trong thư Bác Hồ gửi cán bộ ngành Y tế nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2:  Phải thật thà đoàn kết; thương yêu người bệnh;  xây dựng nền y học nước nhà.

Trước hết là phải đoàn kết, đoàn kết trong tập thể lãnh đạo, trong cán bộ nhân viên cùng chung một mục đích “vì sức khỏe nhân dân”. Thương yêu người bệnh biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm phục vụ, tình thương yêu, chăm sóc người bệnh. Người làm ngành Y dù ở vị trí công tác nào cũng đều phải đặt lợi ích sức khỏe của người dân lên trên, đặt địa vị mình vào người bệnh để đáp ứng được sự tin tưởng của nhân dân.

Người đứng đầu ngành Y tế nhấn mạnh việc học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong ngành Y không phải việc gì cao siêu, xa vời mà bắt đầu trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong từng phiên trực cấp cứu, trong sự tiếp đón chu đáo, chỉ dẫn tận tình của người thầy thuốc, dù ở bất cứ thời điểm nào. 

Phương Anh