Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam. Người đã chăm lo gây dựng, dìu dắt và rèn luyện đội ngũ những người làm báo nước ta đồng thời là một nhà báo xuất sắc và là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo cách mạng. Bác Hồ đã để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng to lớn và quý báu.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và theo đó phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng. Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.

Sinh thời, Hồ Chủ tịch dạy: “... Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”.

Người chỉ rõ: “Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của nhà báo”; “ngòi bút của các bạn cũng là những vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà” hay “trước khi đặt bút xuống trang giấy, người viết cần tự mình thật sáng tỏ: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?”…

Nhìn lại hơn 9 thập kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, hệ thống báo chí, truyền thông Việt Nam đã phát triển nhanh cả về đội ngũ, trình độ, loại hình, quy mô, phương tiện, kỹ thuật - công nghệ; khả năng tác động và ảnh hưởng xã hội, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tôi tin rằng, hơn 41.000 nhà báo trong cả nước đã, đang học tập và làm theo Bác từ trong đạo đức, phong cách, việc làm, đến những bài báo được đến tay bạn đọc, đến người nghe, người xem.

Cùng với sự lớn mạnh của nền báo chí nước nhà, các cơ quan báo chí của ngành Thanh tra đã chú trọng tuyên truyền đến bạn đọc và nhân dân cả nước kết quả hoạt động của ngành Thanh tra, của cơ quan Thanh tra Chính phủ về các lĩnh vực thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng và xây dựng ngành. Đội ngũ cán bộ, phóng viên có nhiều cố gắng để đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ trong tình hình mới.

+ Thưa Phó Tổng Thanh tra, nhiều năm phụ trách lĩnh vực báo chí, ông có thể chia sẻ những đánh giá về đội ngũ nhà báo trẻ hiện nay?

- Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn: Tôi đánh giá cao những cống hiến của các nhà báo, các cơ quan báo chí trong hành trình tìm tòi, xây dựng và gìn giữ cái đẹp của lý tưởng, của cuộc sống. Đặc biệt, trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh Covid-19 hơn 1 năm qua. Trên trường quốc tế cũng như trong nước, ở đâu ổ dịch diễn biến phức tạp nhất, nóng bỏng nhất cũng có bóng dáng của các nhà báo. Không chỉ phản ánh trung thực về tình hình dịch bệnh, đội ngũ các nhà báo còn động viên tuyến đầu chống dịch, động viên sức người, sức của trong phòng chống dịch bệnh và truyền cảm hứng cho toàn xã hội chung tay phòng, chống dịch bệnh. Đó là những nỗ lực rất đáng trân trọng và ghi nhận.

Hiểu thêm một góc độ khác, những nỗ lực đó càng đáng trân trọng hơn. Đó là bản thân các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng đứng trước những khó khăn, áp lực do dịch bệnh gây ra. Đó là sức ép về khai thác nguồn thu. Đó là khó khăn do tái cơ cấu, tổ chức khi thực hiện Quy hoạch Phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đó là sức ép do cơ chế quản lý khi nhiều cơ quan thực hiện tự chủ 100%... Trong rất nhiều ảnh hướng trực tiếp và gián tiếp từ dịch bệnh, các cơ quan báo chí và đội ngũ người làm báo Việt Nam nói chung, ngành Thanh tra nói riêng đã cố gắng hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Tôi hiểu và trân trọng những cố gắng đó.

+ Đội ngũ cơ quan báo chí và người làm báo hiện nay cần làm gì để tiếp tục sứ mệnh của mình, thưa Phó Tổng Thanh tra?

- Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn: Các bạn cũng biết, nói đến lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam là nhắc đến người khai sinh ra nó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống Pháp, với những cán bộ, học viên vào học lớp viết báo đầu tiên năm 1949, Bác dạy: “Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. Mục đích chung là kháng chiến và kiến quốc”. Nhiệm vụ “kiến quốc” trong lời dạy của Bác không lúc nào hết tính thời sự. Ở thời điểm hiện tại, cần nhất là mỗi cơ quan báo chí cần thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, chức năng nhiệm vụ của mình trong công tác tuyên truyền; mỗi nhà báo cần học Bác trong từng câu chữ để càng thêm yêu và trân trọng nghề báo. Phía sau mỗi con chữ là một số phận, một mảnh đời, một câu chuyện… Do vậy, xác định viết cho ai, viết làm gì, viết như thế nào trong lời dạy của Bác hiểu rộng hơn cũng chính là thực hiện tôn chỉ, mục đích của tờ báo vậy. Bên cạnh đó, người làm báo còn cần làm chủ khoa học công nghệ, tránh chạy theo công nghệ mà sa đà vào những “khoảng trũng” trên không gian mạng.

+ Thưa Phó Tổng Thanh tra, ông có dặn dò gì với đội ngũ người làm Báo Thanh tra?

- Phó Tổng Thanh tra Đặng Công Huẩn: Tôi ghi nhận những nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm cụ của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động Báo Thanh tra, Tạp chí Thanh tra trong những năm gần đây. Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Thanh tra Chính phủ luôn dành sự quan tâm chân thành đối với các bạn.

Tôi mong rằng các cơ quan báo chí ngành Thanh tra luôn thực hiện đúng tôn chỉ mục đích; chủ động xây dựng kế hoạch; đổi mới phương thức hoạt động; nâng cao chất lượng các tin, bài để tờ báo, tờ tạp chí ngày càng hấp dẫn về nội dung, đẹp về hình thức trong lòng bạn đọc. Tôi cũng mong tờ báo sẽ kịp thời cung cấp thông tin trung thực, khách quan, kịp thời để bạn đọc trong và ngoài ngành Thanh tra cũng như xã hội chia sẻ, ủng hộ đối với những hoạt động của ngành trong quá trình tổ chức thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.

Chúc các bạn luôn giữ được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” khi gắn bó với nghề báo cao quý!

+ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Thanh tra!

Thúy Nhài

(Thực hiện)