Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ngay từ năm đầu tiên bước vào thực hiện kế hoạch 2015-2020, mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng ngành TN&MT cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức to lớn.

Tuy nhiên, các phong trào thi đua yêu nước đã khơi dậy sức sáng tạo trong xây dựng thể chế, chính sách pháp luật để tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn mang tầm chiến lược, với tư duy đột phá nhất là trong phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Các vướng mắc, điểm nghẽn về chính sách, pháp luật, quy hoạch quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản được giải quyết; thiết lập hành lang pháp lý đồng bộ cho quản lý tổng hợp tài nước, tài nguyên biển, đo đạc bản đồ kiến tạo cho phát triển.

Thông qua các hoạt động thi đua, đổi mới sáng tạo được thúc đẩy trong toàn ngành với nhiều sáng kiến ở quy mô toàn cầu, khu vực về giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa đại dương, ứng phó với BĐKH, ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước thông qua các cơ chế hợp tác G7, ASEAN, Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Uỷ hội sông Mê Công quốc tế, Đại hội đồng GEF. Khoa học và công nghệ nhất là công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám được ứng dụng hiệu quả trong công tác quản lý.

“Trong 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn ngành, lan tỏa sâu rộng với nhiều điển hình tiên tiến, mô hình hiệu quả, công trình khoa học có giá trị trong đời sống thực tiễn; nhiều cá nhân đạt giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.”  - Bộ trưởng khẳng định.

Trong 5 năm qua, ngành TN&MT đã tích cực hưởng ứng 4 phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động. Trong đó, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” đã tham mưu và ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững. Các phong trào thi đua bảo vệ môi trường, thu gom rác thải, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng khu dân cư "sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn"… phát triển rộng khắp ở các địa phương trong cả nước. Phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” đã bãi bỏ, sửa đổi gần 63% điều kiện kinh doanh; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; giảm thời gian đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 100% thủ tục hành chính…

leftcenterrightdel
Toàn cảnh Đại hội. Ảnh: TH 

Bên cạnh đó, ngành đã phát động và triển khai hiệu quả nhiều phong trào thi đua theo giai đoạn, hằng năm, các phong trào đột xuất, chuyên đề như: Phong trào "Kỷ luật, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hành động trong quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường để phát triển nhanh, bền vững đất nước”, "Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 15 năm thành lập Bộ", "Hành động để giảm thiểu ô nhiễm nhựa và nylon"…

Qua các phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, những mô hình mới, những nhân tố mới được phát hiện, biểu dương và nhân rộng trong toàn ngành và xã hội. Trong 5 năm, ngành đã trình khen thưởng cấp Nhà nước cho trên 200 tập thể, cá nhân; khen cấp bộ cho gần 2.500 tập thể, cá nhân.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương sự nỗ lực cố gắng và những thành tựu quan trọng của toàn ngành TN&MT.

Về nhiệm vụ trọng tâm cần chú trọng trong thời gian tới, Phó Chủ tịch nước yêu cầu ngành TN&MT cần thống nhất trong nhận thức và hành động coi nhiệm vụ quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những trụ cột quan trọng để phát triển bền vững đất nước.

“Tài nguyên thiên nhiên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên quan trọng cho phát triển. Môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch nước lưu ý, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, tình hình mưa bão ở miền Trung thời gian vừa qua gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững… thì các mô hình phát triển bền vững như: Kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế sinh học… cần được tiếp tục nghiên cứu để áp dụng hiệu quả vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành TN&MT thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó, cần quan tâm khắc phục những tồn tại, hạn chế như đã nêu trong báo cáo.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu phải thật sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua. Công tác thi đua phải gắn với khen thưởng, kịp thời biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân xuất sắc. Coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến tạo sự lan tỏa trong ngành cũng như trong toàn xã hội.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba của Chủ tịch nước cho một số tập thể và cá nhân tiêu biểu. Ảnh: TH 

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba của Chủ tịch nước cho một số tập thể và cá nhân tiêu biểu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao bằng khen tuyên dương 28 tập thể và 57 cá nhân điển hình tiên tiến.

Tại Đại hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã phát động phong trào thi đua giai đoạn 2020-2025 với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, hội nhập và phát triển”.

 

 

Thái Hải