Hoàn thiện về thể chế

Điều 2, Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt nêu rõ, Ban Thanh tra đặc biệt có toàn quyền “nhận các đơn KN của nhân dân”. Từ đó, nhiệm vụ tiếp dân, giải quyết KN, tố cáo (TC) luôn được Đảng, Chính phủ coi trọng. Điều đó được thể hiện qua một hệ thống các văn bản được ban hành để từng bước nâng cao hiệu quả của công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC.

Đầu tiên phải kể đến Thông tư số 436/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/9/1958 quy định trách nhiệm, quyền hạn và tổ chức của các cơ quan chính quyền trong việc giải quyết các loại đơn thư KN, tố giác của nhân dân. Thông tư chỉ rõ: “Giải quyết tốt, kịp thời thư khiếu tố của nhân dân là biểu thị tinh thần phụ trách của các cơ quan Nhà nước trước nhân dân, là thiết thực bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân, thoả mãn những yêu cầu thiết thân của nhân dân, nhờ đó, mối liên hệ giữa Nhà nước và nhân dân sẽ được tăng cường”.

Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 ghi nhận quyền KN, TC là một trong những quyền cơ bản của công dân, đồng thời đã quy định: Các điều KN và TC phải được xem xét và giải quyết nhanh chóng. Đến Hiến pháp năm 1992, nguyên tắc này tiếp tục được phát triển và cụ thể hóa hơn: “Việc KN, TC phải được cơ quan Nhà nước xem xét và giải quyết trong thời hạn pháp luật quy định”. (Điều 74).

Các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng khi đề cập đến công tác thanh tra, giải quyết KN, TC cũng luôn nhấn mạnh đến việc giải quyết nhanh chóng, kịp thời các KN của nhân dân như là một yêu cầu, nguyên tắc quan trọng của công tác xét, giải quyết KN, TC. Thông tri số 210/TT-TW ngày 22/12/1967 của Ban Bí thư về việc tăng cường tổ chức Uỷ ban Kiểm tra của Đảng và đẩy mạnh công tác thanh tra của các cơ quan Nhà nước nhấn mạnh: “Nhiều việc KN, TC trong Đảng và của nhân dân... chưa được giải quyết tốt, hoặc để ứ đọng, bê trễ, gây ảnh hưởng không tốt đến lòng tin của đảng viên và nhân dân đối với cơ quan của Đảng và Nhà nước”. Chỉ thị số 176/CT-TW ngày 18/4/1970 của Ban Bí thư về việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát, thanh tra và giải quyết các vụ KN, TC yêu cầu các cấp, các ngành phải “coi trọng việc xét và giải quyết nhanh, tốt các đơn KN, tố giác của quần chúng”.

Việc thể chế hóa công tác tiếp công dân (TCD) không ngừng được coi trọng. Cụ thể, để thực hiện Pháp lệnh KN, TC của công dân năm 1991, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 89 ngày 7/8/1997 quy định về công tác TCD, trong đó quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, trách nhiệm, nghĩa vụ cán bộ và tổ chức công tác TCD ở các cấp, ngành.

Ngày 23/9/1989, Ban Bí thư có Thông báo số 164-TB/TW về việc TCD và bảo vệ Trụ sở TCD của T.Ư Đảng và Nhà nước quy định Trụ sở TCD chung của T.Ư Đảng, Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và Hội đồng Bộ trưởng (tại Hà Nội) được thành lập “để tiếp cán bộ, đảng viên, nhân dân lên T.Ư khiếu tố, kiến nghị và phản ánh tình hình”.

Để thể chế hóa chủ trương của Đảng về công tác TCD, các cơ quan Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về việc TCD. Ngày 15/1/1993, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 18/CT-TTg về công tác TCD, giải quyết KN, TC. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 64/TTg ngày 25/1/1995 về tăng cường công tác giải quyết KN, TC của công dân. Đặc biệt, ngày 7/8/1997, Chính phủ ban hành Nghị định số 89/CP kèm theo Quy chế tổ chức TCD.

Trên cơ sở Nghị định số 89/CP, Tổng Thanh tra Nhà nước ban hành Thông tư số 1178/TT-TTNN ngày 25/9/1997 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 89/CP ngày 7/8/1997; Quyết định số 1204/QĐ-TTNN ngày 1/10/1997 ban hành Bản quy định về việc phối hợp TCD.

Tiếp theo đó, Quốc hội đã thông qua Luật KN, TC năm 1998, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KN, TC năm 2004 và 2005. Luật KN, TC đã dành Chương V quy định về TCD đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh, trong đó nêu rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước trong công tác TCD; trách nhiệm của cán bộ trong việc tiếp nhận KN, TC và hướng dẫn công dân thực hiện quyền KN, TC; quyền và nghĩa vụ của công dân khi đến nơi TCD.

Để chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác giải quyết KN, TC và TCD, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2004/QH11 ngày 16/6/2004 về công tác giải quyết KN, TC trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 53/2005/NĐ-CP ngày 19/4/2005 và Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật KN, TC và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KN, TC. Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 36/2004/CT-TTg ngày 27/10/2004 về việc chấn chỉnh và tăng cường trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước trong công tác giải quyết KN, TC.

Năm 2008, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 695/2008/NQ-UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 370/2003/NQ-TTVQH11 về việc thành lập Ban Dân nguyện. Theo đó, Ban Dân nguyện có nhiệm vụ và quyền hạn TCD đến KN, TC, kiến nghị, phản ánh với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; tiếp nhận, phân loại đơn, thư của công dân gửi đến Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội; tập hợp, phân loại, chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức hữu quan, theo dõi, đôn đốc và tổng hợp kết quả giải quyết; giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri…

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 858/QĐ-TTg ngày 16/6/2010 về việc phê duyệt Đề án Đổi mới công tác TCD, quy định cụ thể về mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của trụ sở TCD, mối quan hệ giữa trụ sở TCD với các cơ quan Nhà nước.

Năm 2011, Quốc hội đã thông qua Luật KN trong đó đã dành một chương (Chương V) có những quy định về Trụ sở, địa điểm TCD, trách nhiệm của Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức trong việc TCD. Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 18/5/2012 về chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả TCD, giải quyết KN, TC.

Gần đây nhất, pháp luật về TCD được hoàn chỉnh khi tại Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật TCD với 9 chương, 36 điều và có hiệu lực từ 1/7/2014. 

Tiếp đó, ngày 26/6, Chính phủ ban hành Nghị định số 64/NĐ-CP qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật TCD.

Đặc biệt, ngày 26/5/2014, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác TCD và giải quyết KN, TC. Chỉ thị này qui định cụ thể trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan Nhà nước, cấp ủy trong công tác tiếp dân, giải quyết KN, TC.

Kiện toàn về bộ máy, tổ chức

Trước hết, cần phải khẳng định rằng ngay từ khi được thành lập, Ban Thanh tra đặc biệt đã dành ưu tiên đặc biệt cho việc tiếp nhận, giải quyết các KN của nhân dân. Trải qua các thời kỳ khác nhau, với các tên gọi khác nhau (Ban Thanh tra Chính phủ, Ban Thanh tra T.Ư của Chính phủ, Thanh tra Nhà nước và nay là Thanh tra Chính phủ) thì việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này được đặc biệt coi trọng. Minh chứng lớn nhất là việc hoàn thiện về thể chế như đã nêu ở trên.

Một điểm nhấn quan trọng không kém, đó là việc từng bước kiện toàn và hoàn thiện về bộ mô hình, bộ máy, tổ chức chuyên trách trong tiếp dân, giải quyết KN, TC.

Bộ máy chuyên trách về TCD đầu tiên được thiết lập khi thực hiện Nghị định 89/CP và Luật KN, TC. Các cấp, ngành từ T.Ư đến địa phương đã tổ chức công tác TCD. Ở T.Ư, Trụ sở TCD của T.Ư Đảng và Nhà nước làm nhiệm vụ TCD, nhận các KN, TC, kiến nghị, phản ánh cho T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, bao gồm đại diện của các cơ quan: Văn phòng T.Ư Đảng, Uỷ ban Kiểm tra T.Ư, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (từ năm 2006). Trụ sở TCD được đặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh do Thanh tra Nhà nước (nay gọi là Thanh tra Chính phủ) trực tiếp quản lý. 

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc TCD thường xuyên, nhận các KN, TC, kiến nghị, phản ánh liên quan đến KN, TC. Trước khi có Quyết định 858/QĐ-TTg, phòng TCD thuộc văn phòng bộ hoặc thanh tra bộ. Hiện nay, tại các bộ, ngành, phòng TCD chủ yếu do thanh tra bộ phụ trách.

 Các cơ quan tư pháp (TAND, Viện KSND), một số tổ chức chính trị - xã hội đều tổ chức TCD theo chức năng, nhiệm vụ. Tại TAND Tối cao, thành lập Phòng Tiếp dân thuộc Ban Thanh tra. Tại Viện KSND Tối cao, Vụ Khiếu tố thường trực công tác TCD, xử lý đơn KN, TC, kiến nghị, phản ánh liên quan đến hoạt động của Viện kiểm sát. 

Ở cấp tỉnh, phần lớn phòng TCD của các tỉnh, thành trực thuộc văn phòng UBND tỉnh, TP chiếm khoảng 62%. Khoảng 20% địa phương có phòng TCD trực thuộc thanh tra tỉnh. Còn lại trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Thường trực HĐND quản lý.

 Ở cấp huyện, hầu hết các địa phương bố trí nơi TCD tại trụ sở UBND do Văn phòng UBND phụ trách làm nhiệm vụ TCD cho Huyện ủy, HĐND và UBND; có nơi bố trí từ 2 đến 3 cán bộ TCD chuyên trách, có nơi bố trí cán bộ thuộc các phòng, ban (Tài nguyên - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thanh tra…) TCD.

 Ở cấp xã, việc TCD do Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn phân công, chủ yếu giao bộ phận Tư pháp, Văn phòng, Địa chính - Xây dựng phân công TCD thường xuyên theo quy định.

Đến nay, thực hiện Luật TCD, Ban TCD (trên cơ sở là các Phòng TCD trước đây) đã và đang được kiện toàn đồng bộ, chặt chẽ từ cấp T.Ư đến cấp cơ sở.

Như vậy, có thể nói, quyền năng cơ bản nhất, thủy chung xuyên suốt chặng đường 70 năm thành lập của ngành Thanh tra đã đi trọn vẹn một chặng đường tự hoàn thiện mình, góp phần quan trọng vào xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Cùng với việc tham mưu xây dựng các văn bản pháp luật, kiện toàn bộ máy tổ chức, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan cũng chuẩn bị để Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chỉnh phủ trực tiếp nghe và chỉ đạo giải quyết một số vụ việc KN, TC phức tạp kéo dài qua các Kế hoạch lớn của toàn ngành, thu hút sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị như: Kế hoạch 319/KH-TTCP, Kế hoạch 1130/KH-TTCP và nay là Kế hoạch 2100/KH-TTCP. Qua công tác giải quyết KN, TC đã thu hồi nhiều tài sản bị sử dụng sai phạm về ngân sách Nhà nước, minh oan và trả lại tài sản cho nhiều công dân bị oan ức, kịp thời xử lý sai phạm, chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước.

 Nguyễn Hồng Điệp