Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi tới nhiều nơi trên thế giới, nhưng có lẽ Trung Quốc là nơi Bác lui tới nhiều nhất, sinh sống ở đó trong thời gian dài nhất, có những cống hiến to lớn cho phong trào cách mạng, cũng như để lại ở đó nhiều tình cảm nhất.

Chính tại Trung Quốc, Người đã thành lập Việt Nam thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội; mở lớp Huấn luyện chính trị cách mạng ở Quảng Châu để chuẩn bị cho sự ra đời và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Với những đóng góp, cống hiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều người bạn hữu và nhân dân Trung Quốc đều cảm thấy ngưỡng mộ khi nói về hình tượng “sáng chói” của Hồ Chí Minh.

Ông Trương Đức Duy, nguyên Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, người từng có nhiều thời gian làm phiên dịch và phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đánh giá: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có nhân cách hoàn mỹ”.

Phóng viên: Là người nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, xin ông cho biết, trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh có tầm ảnh hưởng sâu rộng như thế nào đối với phong trào cách mạng thế giới và Việt Nam?

Ông Trương Đức Duy: Trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, cần có một người có tầm ảnh hưởng sâu rộng ở cả trong và ngoài nước, đồng thời có uy tín nhất ở Việt Nam để thống lĩnh một nhóm người đã được trang bị luồng tư tưởng Cộng sản nhất định, tập hợp họ lại, thành lập nên một tổ chức thống nhất, đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đầu những năm 20 của thế kỷ 20, một lớp thanh niên đầy nhiệt huyết đến Quảng Châu. Năm 1922, nhóm Tâm Tâm xã được thành lập với những thanh niên đầy chí khí, sẵn sàng hy sinh tính mệnh vì nghĩa lớn để thức tỉnh đồng bào, song chưa có người tổ chức và hướng dẫn nên họ chưa biết làm gì ngoài hành động mưu sát cá nhân mà tiêu biểu là vụ mưu sát Toàn quyền Đông Dương Merlin ngày 19/06/1924 tại Quảng Châu.

Thời gian đó, Nguyễn Ái Quốc đang ở Liên Xô dự Đại hội 5 Quốc tế Cộng sản. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy tình hình thuận lợi để tổ chức và chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

Được sự giúp đỡ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ cách mạng ở Quảng Châu, từ năm 1926 đến tháng 4/1927, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam với tổng số 75 người.

Như vậy, vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình này, tôi cho rằng, có thể gói gọn là người tổ chức, người thống lĩnh, người sáng lập và lãnh tụ đích thực. 

gap hoc gia trung quoc nghien cuu ve ho chi minh hinh 2
Phòng trưng bày, với những tư liệu còn lưu giữ tại Di tích về thời gian đồng chí Nguyễn Ái Quốc hoạt động cách mạng tại Quảng Đông-Trung Quốc và thành lập Tổ chức “Việt Nam thanh niên cách mạng Đồng chí Hội”.

Phóng viên: Theo ông việc Chủ tịch Hồ Chí Minh mở lớp Huấn luyện chính trị cách mạng ở Trung Quốc có ảnh hưởng thế nào đối với cách mạng Việt Nam?

Ông Trương Đức Duy: Trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội tại Trung Quốc. Đây là tổ chức để Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền bá tư tưởng tiến bộ và tinh thần phấn đấu cho giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước cho thanh niên Việt Nam.

Đây cũng là trường học chính trị mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, để đào tạo cán bộ, đảng viên. Người đã thông qua tổ chức này, thu hút và dung nạp các thanh niên Việt Nam để truyền bá tư tưởng Chủ nghĩa Cộng sản.

Sau này, họ đã trở thành những cán bộ quan trọng, thế hệ tinh anh của phong trào giải phóng dân tộc và độc lập của Việt Nam. Tôi coi trường học này như “Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc” trong thời kỳ tiền thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

gap hoc gia trung quoc nghien cuu ve ho chi minh hinh 3
Tại căn phòng bên trong Trụ sở số nhà 13 và 1/13 đường Văn Minh (nay là số nhà 248-250) đối diện với Trường Đại học Trung Sơn (nay là Bảo tàng Cách mạng Quảng Châu), Nguyễn Ái Quốc đã trực tiếp mở 3 lớp huấn luyện chính trị cách mạng cho lớp thanh niên ưu tú của Việt Nam, với tổng số 75 người trong 2 năm 1926-1927.

Phóng viên: Có thời gian làm phiên dịch và phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt nhiều năm, ông đánh giá như thế nào về phẩm chất, nhân cách Hồ Chí Minh?

Ông Trương Đức Duy: Nói về nhân cách, phẩm chất Hồ Chí Minh, tôi cho rằng, dù dùng bao nhiều lời lẽ cũng khó mà diễn đạt đầy đủ và chuẩn xác. Tôi xin dùng một câu để đúc kết những nhận biết cơ bản nhất của mình về Người, đó là: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một một lãnh tụ cách mạng có nhân cách hoàn mỹ.

Điều này thể hiện qua một số mặt. Trước hết, Người là một nhân vật cách mạng có ý chí kiên cường. Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trải qua vô vàn gian khổ, khó khăn, nhưng Người chưa bao giờ chùn bước, sợ hãi, khuất phục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh có một câu nói đầy hào khí, đó là “Quyết chiến, quyết thắng”. Dù khó khăn, gian khổ, nguy hiểm đến đâu, cũng không thể làm cho Người sợ hãi, khuất phục. Tôi cho rằng, câu nói này là biểu hiện điển hình cho ý chí kiên cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh có niềm tin vô cùng mạnh mẽ. Người có niềm tin kiên định không thay đổi đối với Chủ nghĩa Marx-Lenin, Chủ nghĩa xã hội, Chủ nghĩa Cộng sản, đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dù hiểm nguy đến đâu, Người cũng tin tưởng rằng với sự đấu tranh không mệt mỏi nhất định sẽ giành thắng lợi trong công cuộc giải phóng dân tộc, giành lại độc lập cho đất nước.

Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh có trí tuệ nhìn xa trông rộng, Người có những phân tích rõ ràng và tính toán sâu rộng về cuộc đấu tranh cách mạng trong nước, cũng như cuộc đấu tranh quốc tế vì chính nghĩa, từ đó đưa ra phương châm, chiến lược, chiến thuật, chính sách đấu tranh chính xác, sáng suốt.

Điểm thứ tư mà tôi cảm nhận vô cùng sâu sắc, đó là phong thái giản dị của Người. Với tư cách là lãnh tụ tối cao và Nguyên thủ cao nhất, phong cách sống đơn giản và tinh thần tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vô cùng nổi bật và mẫu mực. Nhiều người bạn hữu nghị quốc tế và nhân dân Trung Quốc đều say sưa nói về hình tượng sáng chói của Người.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!.

Theo Nhóm PV/VOV