Ông Tám An, cán bộ hưu trí ở khu phố tôi rất được mọi người nể trọng. Ông sống thanh đạm, ở căn hộ bình dân, đi xe máy cũ, ngồi cà phê quán cóc. Ấy vậy nhưng mọi phong trào, hoạt động ở khu phố, ông đều gương mẫu tham gia, đi họp đúng giờ, phát biểu ngắn gọn, khúc triết. Ông tư vấn cho Ban quản trị chung cư cách quản lý nguồn quỹ từ dịch vụ cho thuê mặt bằng, phương pháp kiểm tra, giám sát, đối chiếu sổ sách, đảm bảo công khai, minh bạch. Chuyển đến sinh sống ở khu chung cư này đã lâu nhưng chúng tôi cũng chỉ biết ông là một công chức về hưu.

Mới đây, khi chúng tôi ghé vào căn hộ thăm ông mới biết, ông từng là cán bộ của ngành Thanh tra, gần 40 năm gắn bó với nghề. Chuyện bắt đầu từ bức thư pháp được ông lồng khung kính treo trang trọng trong phòng riêng. Bức tranh chỉ có một chữ LIÊM, viết (đúng hơn là vẽ) bằng bút lông, mực Nho. Nét chữ uyển chuyển, phóng khoáng, đầy khí phách, chứng tỏ người viết am tường về chữ nghĩa và nghệ thuật thư pháp. Thấy tôi tò mò, ông An biểu lộ nét mặt vui vẻ, hài lòng: 

- Tôi treo bức thư pháp này gần 20 năm rồi nhưng hôm nay mới có người quan tâm hỏi về nó. Để tôi kể chú nghe…

20 năm trước, ông An khi đó đang là cán bộ Thanh tra, công tác tại TP Hồ Chí Minh. Ông về quê tham dự cuộc họp mặt kỷ niệm 30 năm ra trường của khóa học sinh cấp III. Nhóm học trò cũ đến thăm thầy giáo chủ nhiệm dạy Văn, nay đã ở tuổi 80. Thầy giáo là người tinh thông chữ nghĩa. Về hưu, thầy lấy việc viết chữ, tặng chữ làm thú vui tuổi già, cũng là để góp phần gìn giữ một tập tục văn hóa rất đẹp của cha ông. Mỗi học trò được thầy tặng một chữ. Ai thích chữ gì, thầy tặng chữ đó. Đến lượt mình, trò An xin thầy viết cho chữ AN, vừa là tên của mình, vừa có ý nghĩa cầu cho cuộc sống được bình an. Thầy giáo già ngưng tay bút, nhìn học trò cũ mà rằng:

- Con làm cán bộ Thanh tra thì không thể cầu an được. Nghề của con quan hệ rộng, va chạm nhiều, đụng chạm cũng không ít. Nếu chỉ cầu an cho bản thân thì khó mà hoàn thành nhiệm vụ. Thầy sẽ tặng con một chữ khác.

Thầy giáo già chấm bút, gạt mực, vẽ một đường như rồng bay phượng múa. Đó là chữ LIÊM mà ông Tám An mãi nâng niu, trân trọng. Nghỉ hưu đã hơn 10 năm nay, ông vẫn lấy hồn của chữ ấy làm phương châm sống cho mình. Liêm là liêm sỉ, liêm khiết, liêm chính… Đó là phẩm chất cốt lõi của người làm công tác thanh tra. Dù khi đương chức hay đã nghỉ hưu, giữ cho mình cái hồn của chữ ấy chính là cách để cán bộ tri ân nghề, báo hiếu với Đảng và nhân dân. 

Câu chuyện của ông Tám An thật nhẹ nhàng, đơn giản nhưng sâu sắc, càng ngẫm càng thấm thía. Cán bộ Thanh tra là lực lượng được chọn lựa, đào tạo căn bản, sàng lọc kỹ càng. Ai cũng có nền tảng chính trị, tư tưởng vững vàng, được bồi dưỡng, rèn luyện, trau dồi đạo đức nghề nghiệp liên tục. Nhiều người thường nói vui, làm công tác Thanh tra là gắn với ba chữ “KH”, đó là “khô”, “khó” và “khổ”. Nghề nào có thể bay bổng, để tâm hồn treo ngược cành cây được chứ nghề thanh tra thì không thể. Công việc thanh tra cũng không thể làm theo “phong trào”, trống giong cờ mở. Nó diễn ra lặng lẽ nhưng lại rất quyết liệt, không khoa trương nhưng lại rất nóng bỏng. Mọi lập luận, chứng cứ, luận cứ, luận điểm… đều phải rành mạch, rõ ràng, khách quan, thượng tôn pháp luật. 

Thanh tra là công cụ của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, làm trong sạch bộ máy của hệ thống chính trị. Cấp nào, ngành nào, địa phương nào, tổ chức chính trị - xã hội nào cũng liên quan, chịu sự kiểm soát của Thanh tra các cấp theo quy định của pháp luật. Thế nên không phải cán bộ cứ được trang bị đầy đủ trình độ, kiến thức chuyên môn, được bồi dưỡng lý luận chính trị, kỹ năng thực thi pháp luật thanh tra là đã có thể hoàn thành nhiệm vụ. 

Nghề thanh tra còn đòi hỏi rất cao ở phẩm chất đạo đức, tính tự giác, tự chủ với trái tim nóng, cái đầu lạnh và hai bàn tay sạch. Người thiếu chữ LIÊM sẽ không thể làm công tác thanh tra. Nếu thiếu, sẽ là mầm mống gây ra tiêu cực, tai họa. Chính vì vậy, khi phát biểu chỉ đạo ngành Thanh tra, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh vai trò, trọng trách của cán bộ Thanh tra. Trong những thuộc tính của phẩm chất mà mỗi cán bộ thanh tra phải có và phải tu dưỡng, rèn luyện để có, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt chữ LIÊM lên đầu tiên. Đó là cách nói mang tính cô đọng, khái quát. Khi đội ngũ cán bộ thanh tra hội tụ đủ phẩm chất Liêm chính - Bản lĩnh - Trung thành, chính là lúc cái tâm, trí, dũng của công bộc được phát huy cao nhất. 

 
Những ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính là sự kế thừa, vận dụng, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công tác thanh tra và xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra. Tiễn năm Kỷ Hợi 2019, chúng ta rất phấn khởi, tự hào khi được Đảng, Nhà nước, Chính phủ và đặc biệt là nhân dân ghi nhận những thành tựu to lớn của ngành, nhất là trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
 
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về ngành mình, chúng ta thấy, ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 64/SL thành lập Ban Thanh tra đặc biệt (nay là Thanh tra Chính phủ). Yêu cầu Bác đặt ra đầu tiên là phải lựa chọn những người có đức, có tài lãnh đạo công tác thanh tra. Đó là những bậc tiền bối đặt nền móng cho ngành mà ngày nay chúng ta luôn ngưỡng vọng, tự hào, như: Cụ Bùi Bằng Đoàn (Ban Thanh tra đặc biệt năm 1945), cụ Tôn Đức Thắng (Ban Thanh tra đặc biệt năm 1947), cụ Hồ Tùng Mậu (Ban Thanh tra Chính phủ năm 1949) và đồng chí Nguyễn Lương Bằng (Thanh tra Trung ương của Chính phủ năm 1956)… 

Bác Hồ luôn quan tâm sâu sắc và đặc biệt đối với công tác Thanh tra và xây dựng đội ngũ cán bộ Thanh tra. Những quan điểm tư tưởng của Người đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị và tính thời sự, là kim chỉ nam cho ngành chúng ta. 

Năm Canh Tý 2020 là năm có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Toàn ngành và toàn Đảng, toàn dân thiết thực kỷ niệm 75 năm ngày Truyền thống ngành Thanh tra Việt Nam (23/11/1945 - 23/11/2020), gắn với Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là cột mốc quan trọng để Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra kiện toàn tổ chức, nâng tầm đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng vẻ vang, nặng nề và phức tạp trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công nghệ càng hiện đại, thông minh thì những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, tha hóa trong một bộ phận cán bộ, công chức càng tinh vi. Tiêu cực, tham nhũng ở trong tối. Thanh tra lại phải minh bạch, công khai, công tâm, đúng pháp luật. Đó là những khó khăn, thách thức không nhỏ mà cả lực lượng và mỗi cán bộ thanh tra phải đương đầu, vượt qua trong môi trường công nghiệp 4.0.

Những con số “biết nói” về những vụ đại án tham nhũng, tiêu cực; số người bị bắt, bị xử lý, số tài sản, tiền bạc thất thoát truy thu được trong năm 2019 đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng là thành quả của công tác thanh tra. Nhưng, trong sâu thẳm tâm can mỗi cán bộ chúng ta, không ai muốn ngày càng có nhiều cán bộ, nhiều người là đồng chí, đồng đội mình bị suy thoái, vướng  vòng lao lý để phải vào tù. Tham nhũng càng nhiều thì xã hội càng bất ổn. Điều chúng ta tâm đắc và mong muốn đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đúc kết, đó là “chặt cành để cứu cây”, “xử một người để cứu muôn người”, “ai đã trót nhúng chàm thì phải tự gột rửa”… 

Vâng! Thanh tra không chỉ là đưa các vụ việc, hành vi tiêu cực, tham nhũng ra ánh sáng, mà quan trọng hơn cả là từ những vụ việc ấy, công tác thanh tra phải góp phần thức tỉnh, gột rửa sai lầm, suy thoái trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên của hệ thống chính trị. Đó chính là biểu hiện của tính giáo dục, tính nhân văn xã hội chủ nghĩa trong hoạt động thanh tra. 

Sắc màu, âm thanh của mùa Xuân Canh Tý 2020 đang ngập tràn trên khắp đất nước. Bên sắc đào, mai rực rỡ, mỗi cán bộ trong ngành Thanh tra hẳn sẽ chọn cho mình một chữ, một dòng như là lời tự sự đầu năm. Đó có thể là chữ được viết trên giấy, thêu trên lụa, nhưng cũng có thể nó là một dòng trạng thái trên trang cá nhân, thậm chí chỉ là trong ý nghĩ của mình. Nhưng dù là dòng gì, thể hiện cách gì đi nữa, tôi vẫn tin, chúng ta bắt đầu bằng chữ LIÊM!

Tùy bút của PHAN TÙNG SƠN