Rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên luôn là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm.

Theo Người, "liêm" là một phần của đạo đức cách mạng mà người đảng viên, người cán bộ tốt phải có, phải rèn luyện.

Cho đến cuối đời, trong Di chúc để lại cho muôn đời sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đau đáu về chữ "liêm" trong xây dựng đạo đức cách mạng cho Đảng, đó là "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng..."

Bốn đức cơ bản của người cán bộ

Bàn về chữ "liêm," theo tiến sỹ Vũ Thị Kiều Phương (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, liêm là "không tham danh vị, không tham sống, không tham tiền, không tham sắc.

Người cán bộ đã dám hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh cho đồng bào, hy sinh vì nghĩa, thì không tham gì hết"; là "không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hóa.

Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ"; là "chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống"; là "không tham ô và luôn luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân."

Thậm chí "liêm" còn được Người bàn trong một trước tác chuyên biệt về các đức tính cần, kiệm, liêm, chính "Cần Kiệm Liêm Chính" viết năm 1949, trong đó, cần, kiệm, liêm, chính có mối quan hệ rất mật thiết với nhau, là tiền đề của nhau.

Người có chỉ rõ sự khác biệt giữa "liêm" của "ngày xưa" với "liêm" của ngày nay. Nếu như ngày xưa "liêm" chỉ để nói đến "những người làm quan không đục khoét dân," "trong sạch, không tham lam," thì ngày nay "liêm" có nghĩa rộng hơn và "mọi người đều phải liêm." Và "Chữ liêm phải đi đôi với chữ kiệm," bởi "có kiệm mới liêm được. Vì xa xỉ mà sinh ra tham lam. Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, sống yên đều là bất liêm."

Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng không phải cứ thực hiện các nội dung "liêm" như thế là đã có "liêm." Thực hiện "liêm" như vậy mới chỉ là "liêm một nửa." Để "liêm" thật sự hoàn chỉnh thì không phải chỉ mình thực hiện "liêm," mà còn phải giúp người khác cũng thực hiện được "liêm."

Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo - người đã dành hơn 30 năm cuộc đời mình để nghiên cứu, sưu tầm, chia sẻ những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thấy rằng Bác không chỉ là một nhà tư tưởng mà còn là một nhà đạo đức học.

Lý thuyết đạo đức của Bác là đạo đức cách mạng, quy tụ vào có bốn giá trị, đó là: Cần, kiệm, liêm, chính. Như Bác gọi đó là bốn đức để làm Người. Có đủ cần, kiệm, liêm, chính mới chí công vô tư được, mới vô ngã, vị tha được, mới có thể đứng ngoài vòng danh lợi để suốt đời vì nước, vì dân được.

Bác nói cần, kiệm, liêm, chính là bốn đức cơ bản để làm Người, phải đủ cả bốn đức mới là con người hoàn toàn, thiếu một đức thì không thành người. Nhưng ở đời thì nhân vô thập toàn, không ai là hoàn toàn cả, cho nên muốn có đủ bốn đức thì suốt đời phải rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân mà Bác gọi là chống giặc nội xâm ngay ở trong lòng.

Bác còn hình dung đây là cuộc chiến đấu suốt đời mà sẽ có không ít sự đau đớn ở trong lòng.

Suy nghĩ về chữ liêm trong quan hệ đạo đức của Bác, giáo sư-tiến sỹ Hoàng Chí Bảo phân tích liêm là kết quả của cần và kiệm, có cần, có kiệm thì mới liêm được, mà có liêm thì mới chính được. Vậy liêm ở đây là liêm khiết, trong sạch không có gì tư túi, khuất tất, bất minh.

Liêm gắn liền với chính. Chính vì thế khi trừng trị tham nhũng, Bác chỉ thị là trừng trị tất cả những kẻ bất liêm, bất kể chúng là ai, bất kể chúng ở cương vị nào. Bây giờ Đảng đang thực hiện lời Bác là không có ngoại lệ là vì thế.

Giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo đánh giá chữ liêm rất quan trọng, nhất là đối với người có chức, có quyền. Có liêm tức là liêm khiết, không tham nhũng, có liêm mới trong sạch, quang minh chính đại. Chữ liêm gần như là thước đo về đạo đức, nhưng đồng thời cũng là thước đo về bản lĩnh của con người, nhất là khi có chức, có quyền. Điều đó càng đúng trong điều kiện hiện nay khi mà hằng ngày, hằng giờ con người bị cám dỗ bởi đồng tiền vật chất của kinh tế thị trường.

Trước đây rèn luyện và bảo vệ, phát huy chữ liêm đã khó, trong điều kiện ngày nay càng khó hơn bởi vì cuộc sống đã thay đổi, hằng ngày hằng giờ, người ta nghĩ tới lợi ích, nhất là lợi ích vật chất, thì chữ liêm đúng là thách thức đối với cán bộ, đảng viên nói chung, nhất người có chức vụ. Chức vụ càng cao, càng đứng trước những thách thức rất nghiệt ngã của chữ liêm, giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo đánh giá.

Tự chỉnh đốn, tự ngăn chặn

Vậy làm thế nào để thực hiện được lời Bác, giữ được chữ liêm trong điều kiện hiện nay, giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo thấy rằng trước tiên cần phải thường rèn luyện cho đủ cả bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính.

Người có cần, có kiệm thì người đó đã có tiền đề để liêm. Có liêm thì sẽ chính trực, công minh, không lợi dụng, không cá nhân riêng tư mà tất cả vì dân. Đồng thời phải có thể chế, luật pháp thật nghiêm để buộc mọi người phải liêm, nếu không liêm, phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của luật pháp để giữ được lòng tin của nhân dân.

Một nội dung quan trọng khác, theo giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, Đảng phải chú trọng giáo dục, đặc biệt trong cán bộ, đảng viên, nhất là những cán bộ có trọng trách. Trên cơ sở đưa đạo đức vào nội dung xây dựng Đảng, cần đẩy mạnh giáo dục danh dự, giáo dục liêm sỉ, giáo dục nỗi biết nhục khi rơi vào chuyện xấu xa, khuất tất.

50 nam thuc hien Di chuc cua Bac Ho: Ren duc, giu 'liem' hinh anh 2Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt thân mật các đại biểu dự Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sỹ thi đua ngành nông nghiệp và Đổi công toàn quốc tại Hà Nội, ngày 23/5/1957. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Bác Hồ nói tham nhũng, tham lam là điều đáng xấu hổ nhất, phải rèn luyện cho cán bộ, đảng viên tự thức tỉnh mình, tự răn đe và chỉnh đốn mình, tự ngăn chặn mình khi có nguy cơ làm những điều sai trái.

Cuối cùng, theo giáo sư, tiến sỹ Hoàng Chí Bảo, phải đặt trong sự kiểm soát của dân. Đây là điều rất quan trọng, môi trường xã hội công khai, minh bạch, dân chủ, người dân có tiếng nói giúp Đảng uốn nắn cán bộ khi cán bộ có sai lầm, như vậy mới gắn Đảng với dân là một, cán bộ sẽ sống trong môi trường cần, kiệm, liên, chính.

Theo tiến sỹ Vũ Thị Kiều Phương, để chữ "liêm" được thực hiện sâu rộng trong xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói "cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên," nhất là "cán bộ phải thực hành chữ liêm trước, để làm kiểu mẫu cho dân."

Nếu cán bộ "thi đua thực hành liêm khiết" thì "sẽ gây nên tính liêm khiết trong nhân dân." Và ngược lại, người dân cũng cần nâng cao trình độ, hiểu biết, phải biết quyền hạn của mình để có thể kiểm soát được cán bộ, để "giúp cán bộ thực hiện chữ liêm," bởi "quan tham vì dân dại." Người cũng nhấn mạnh rằng, pháp luật phải "thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì."

Để rèn luyện phẩm chất này, theo phó giáo sư, tiến sỹ Lý Việt Quang, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, điều đầu tiên là tự tu dưỡng của mỗi cá nhân, tự nhận thức được đâu là cái đúng, đâu là cái sai; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của con người.

Theo ông Quang, có những việc vẫn cần phải nhắc đi, nhắc lại nhiều lần để tạo thành một nếp nghĩ, thói quen của mỗi cán bộ, đảng viên. Cùng với giáo dục thuyết phục, cần có biện pháp kỷ luật nghiêm minh tùy theo mức độ vi phạm để xử lý thích đáng.

Đánh giá, rèn luyện, giữ liêm là cả quá trình lâu dài, vì đây là phạm trù đạo đức, đối với mỗi con người nói chung và cán bộ, đảng viên nói riêng, việc rèn luyện là cả cuộc đời.

Theo phó giáo sư, tiến sỹ Đoàn Thế Hanh (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) đây cũng là phẩm chất của nêu gương. Giữ được liêm tức là cán bộ, đảng viên đã nêu gương trước quần chúng nhân dân.

Nhiều cán bộ cao cấp nhưng không tu dưỡng, rèn luyện, không giữ được liêm đã sa ngã và bị xử lý nghiêm khắc, cho thấy hơn lúc nào hết, chúng ta phải làm việc này thật quyết liệt. Không chỉ xem xét năng lực chuyên môn, trong tuyển lựa, rèn luyện cán bộ phải kiểm tra, đánh giá việc thực hiện tư cách của người cán bộ trên vị trí công tác được phân công.

Phó giáo sư, tiến sỹ Đoàn Thế Hanh nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, để không còn những lỗ hổng, kẽ hở mà luồn lọt, len lách, để muốn "bất liêm" cũng không thể được, đồng thời phải tận dụng hệ thống kiểm tra, giám sát. Việc này cần được triển đồng bộ, từ nhiều lực lượng khác nhau, trong đó có vai trò quan trọng của nhân dân.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chữ "liêm" của con người trong xã hội, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, là vô cùng sâu sắc và ý nghĩa. Cả cuộc đời của Người là một tấm gương sáng về thực hành chữ "liêm." Điều này khẳng định sự nhất quán từ tư tưởng tới thực tiễn cách mạng của Người về chữ "liêm," tạo nên một nhân cách lớn - nhân cách Hồ Chí Minh./.

Quỳnh Hoa (TTXVN/Vietnam+)