Ngày 8/5/2020, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, giữ nguyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Sau khi có quyết định giám đốc thẩm vụ Hồ Duy Hải, bà Nguyễn Thị Loan (mẹ của Hải) có đơn kiến nghị. Một số đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) như ĐB Lưu Bình Nhưỡng, Lê Thanh Vân, Trương Trọng Nghĩa và đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng có kiến nghị mở phiên họp. Đồng thời, có yêu cầu của các cấp. 

Trên cơ sở đó, căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Tư pháp nên cơ quan này đã tổ chức phiên họp toàn thể.

Tại cuộc họp các thành viên Uỷ ban Tư pháp đã thảo luận về tính đúng đắn của quyết định giám đốc thẩm, cũng như  tính phù hợp pháp luật của quyết định. Sau cuộc họp này, kết quả sẽ được Ủy ban Tư pháp tham mưu, báo cáo lên cấp có thẩm quyền.

Trước đó, trong 2 ngày 13 và 15/6, tại phiên thảo luận của QH về kinh tế - xã hội, các ĐBQH có tranh luận về "uy tín của nền tư pháp" khi đề cập đến vụ án Hồ Duy Hải.

Sáng qua (15/6), Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã báo cáo về vụ Hồ Duy Hải. "Tôi sẽ trả lời câu hỏi Hồ Duy Hải có oan sai hay không, có phạm tội hay không?", ông Bình nói.

Sau khi tóm tắt vụ án, đưa ra các chứng cứ, ông Bình nhấn mạnh, Hồ Duy Hải có 25 lời khai nhận tội. Lời khai nhận tội đầu tiên do Hải tự viết ra khá chi tiết, chứ không phải là bản hỏi.

"Ở những thời điểm quan trọng của vụ án Hải đều nhận tội. Khi nhận kết luận điều tra của cơ quan điều tra, Hải nhận tội. Khi nhận cáo trạng của Viện Kiểm sát Hải cũng khẳng định đúng. Kết thúc phiên toà phúc thẩm, gửi đơn cho Chủ tịch nước, kể cả sau sơ thẩm, Hải cũng không kêu oan, chỉ xin giảm nhẹ hình phạt. Người kêu oan nhiều nhất là mẹ Hải ở ngoài trại giam", Chánh án TAND Tối cao báo cáo trước Quốc hội.

Theo nội dung vụ án, tối 13/1/2008, Hồ Duy Hải đến Bưu điện Cầu Voi (Long An) chơi - nơi chị Hồng (23 tuổi) và em họ tên Vân (21 tuổi) làm việc. Hải nảy sinh ý định quan hệ tình dục với chị Hồng nhưng không thực hiện được nên sát hại cô và người em.

Ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về 2 tội giết người và cướp tài sản. Ngày 28/4/2009, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh bác kháng cáo, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Sau bản án tử hình, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình. Tuy nhiên, ngày 24/5/2011, Chánh án TAND Tối cao có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.

Sau đó, ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện KSND Tối cao cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm. Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Đến ngày 4/12/2014, Văn phòng Chủ tịch nước có văn bản yêu cầu tạm dừng thi hành án để xem xét rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai hay không. Cùng ngày 4/12/2014, Hội đồng Thi hành án tử hình Long An ra quyết định hoãn thi hành án đối với Hồ Duy Hải.

Ngày 22/11/2019, Viện trưởng Viện KSND Tối cao ký ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã tuyên bị án Hồ Duy Hải tử hình, để điều tra lại.

Hương Giang