Ngại đối mặt với kiểm toán là “không bình thường”

Từ điểm cầu Ninh Bình, ĐB Bùi Văn Phương cho rằng, dự án PPP là đầu tư công, do Nhà nước chủ trì và kêu gọi nhà đầu tư tham gia. Nhà nước phải trả tiền lại cho nhà đầu tư bằng giá trị công trình hoặc bằng quyền thu phí.

“Bản chất là đầu tư công thì phải tuân thủ việc thực hiện kiểm toán Nhà nước theo đúng quy định”, ông Phương nói.

Về nội dung kiểm toán, theo ĐB đoàn Ninh Bình, cần bao gồm tính tuân thủ quy định pháp luật, quy định hợp đồng và quy chế dự án; hai là kiểm toán giá trị công trình để tính toán hiệu quả thu phí, làm căn cứ trả nợ; ba là kiểm toán hiệu lực, hiệu quả kinh tế của dự án.

“Một khi làm đúng, tuân thủ pháp luật thì tôi nghĩ không có việc gì phải ngại kiểm toán, thanh tra, kiểm tra. Nếu ngại đối mặt với những việc đó là điều không bình thường, chúng ta đã có bài học đầy đau xót về sai phạm trong thời gian qua”, ông Phương nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp thảo luận Dự án Luật PPP. Ảnh: QH


Chung quan điểm, theo ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), cần bổ sung kiểm toán toàn diện dự án PPP vì bản chất là hoạt động đầu tư của Nhà nước để thu hút nguồn lực, huy động vốn tư nhân đầu tư công trình công.

“Nhà nước không trực tiếp trả kinh phí, thay vào đó cho phép nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai dự án được thu phí về mức thu và thời hạn do Nhà nước quy định hoặc trả bằng giá trị quyền sử dụng đất.

Do đó, nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, phương án tài chính và toàn diện dự án PPP thì không thể xác định được mức thu phí, thời gian thu phí, cũng như không thể xác định được chính xác giá đất được sử dụng để thanh toán cho nhà đầu tư”, ĐB đoàn Nghệ An phát biểu.

Vốn tư nhân nên thuê kiểm toán độc lập

Giơ biển tranh luận, ĐB Đỗ Văn Sinh (đoàn Quảng Trị) nhấn mạnh, chúng ta làm luật hợp tác công -  tư chứ không phải đầu tư công. “Nếu đặt vấn đề kiểm toán toàn diện thì không hợp lý”, ông Sinh nói.

Nêu lý do, theo ĐB Sinh, có dự án nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ giao đất đai, mặt bằng. Nên kiểm toán chỉ nên ở các tài sản công. Còn phần vốn đầu tư tư nhân thì chỉ kiểm toán giá trị đầu ra, sản phẩm chất lượng đầu ra.

Ví dụ con đường dài bao nhiêu, lưu lượng xe bao nhiêu, chịu đựng tải trọng xe thế nào; hoặc nước sạch cung cấp bao nhiêu m3/ngày, chất lượng nước ra sao hay xử lý nước thải năng lực sản xuất và được trả phí bao nhiêu…

"Tôi cho rằng, phần nào ngân sách Nhà nước thì kiểm toán theo đầu tư công. Còn cấu phần gồm cả vốn Nhà nước và tư nhân, hoặc hoàn toàn vốn tư nhân thì thuê kiểm toán độc lập để minh bạch. Thiết kế như vậy vừa đúng Hiến pháp, vừa bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư, Nhà nước và người dân", ĐB Sinh nêu.

leftcenterrightdel
 ĐBQH Nguyễn Lâm Thành. Ảnh: QH


ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, dự án PPP mang tính chất đặc thù, “không hẳn là công, không hẳn là tư”, nên không thể áp dụng kiểm toán công toàn bộ hay tư toàn bộ.

Theo ông Thành, nên kiểm toán ở 2 giai đoạn. Thứ nhất, là khi công trình hoàn thành, chuẩn bị đi vào vận hành thì kiểm toán cả đầu tư, thủ tục và phần vốn Nhà nước, phần vốn tư nhân đóng góp ở các chỉ tiêu cơ bản. Thứ hai, khi dự án đã đi vào vận hành một thời gian ổn định thì kiểm toán các chỉ số liên quan đến chất lượng và một số các chỉ số cơ bản để đánh giá hiệu quả của dự án.

Chuyển giao cho nhà nước rồi mới kiểm toán có thể muộn

Tranh luận lại với ĐB Thành, ĐB Đặng Thế Vinh (đoàn Hậu Giang) cho rằng, khi mới bắt đầu triển khai đã kiểm toán là quá sớm vì chưa có nội dung gì. Quá trình triển khai cũng còn nhiều sửa đổi, nếu kiểm toán ban đầu liệu có đảm bảo sau này không có sai phạm hay không?

Còn khi chuyển giao cho Nhà nước mới kiểm toán thì có muộn hay không? Theo ông Vinh, “có thể là muộn” vì khi đó đã thu phí của người dân thời gian dài rồi.

“Ví dụ chúng ta thu phí của người dân 5 năm rồi, vậy trả lại cho người dân như thế nào, nếu nộp vào ngân sách Nhà nước cũng không công bằng đối với người dân đã trả phí”, ĐB đoàn Hậu Giang nói và đề nghị, hoạt động kiểm toán nên thực hiện theo Luật Kiểm toán.

leftcenterrightdel
ĐBQH Đặng Thế Vinh. Ảnh: QH 


Giải trình, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói, dự án PPP được thực hiện qua hợp đồng giữa một bên là Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền đại diện và một bên là doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, Kiểm toán Nhà nước chỉ kiểm toán những phần thuộc ngân sách Nhà nước và tập trung vào nội dung: Tuân thủ lựa chọn nhà đầu tư, chất lượng dịch vụ, giá trị khi chuyển giao cho Nhà nước. Còn tư nhân có thể thuê kiểm toán độc lập để kiểm toán phần còn lại.

“Những biểu hiện thất thoát, lãng phí của NHà nước không phải chỉ có cơ quan kiểm toán Nhà nước mà còn có thanh tra, công an, kiểm toán độc lập và rất nhiều công cụ khác, cơ quan khác cùng tham gia để kiểm soát”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

“Chỉ nghiêng về Nhà nước không nhà đầu tư nào tham gia với chúng ta”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Luật PPP phải bảo đảm 3 yếu tố. Đó là, quản lý chặt chẽ, chống thất thoát, chống lợi dụng, bảo đảm lợi ích của Nhà nước; bảo đảm tính cạnh tranh, an toàn, hấp dẫn để mà thu hút các nhà đầu tư; cuối cùng là phải tiệm cận được các thông lệ tốt của quốc tế.

“Nếu nghiêng về vấn đề của Nhà nước thì không có nhà đầu tư nào sẵn sàng tham gia với chúng ta. Nếu chỉ nghiêng về vấn đề của nhà đầu tư mà không tính đến lợi ích của nhà nước thì cũng không xong, không được. Thế nên, khi thiết kế luật, các cơ quan soạn thảo và các chuyên gia đã nghiên cứu rất kỹ để đảm bảo được 3 mục tiêu như vậy”, Bộ trưởng Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu đã được nghiên cứu, phân tích, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, chặt chẽ. Nếu giảm doanh thu dưới 75%, Nhà nước mới phải chia sẻ. Trước khi chia sẻ phải thực hiện điều chỉnh hợp đồng như thời hạn thu, mức thu, nếu không được thì dưới 75% Nhà nước mới chia sẻ với tỷ tệ 50-50. Như vậy, từ 76% đến 100% nhà đầu tư tự chịu. Còn tăng doanh thu trên 125%, bất kể lý do gì cũng chia 50-50, như vậy Nhà nước được hưởng rất là nhiều.

Hương Giang