Chiều ngày 17/7, Tổng thư ký Quốc hội chủ trì họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc vào ngày 20/7; dự kiến bế mạc vào ngày 31/7.

Kỳ họp lần này có vai trò rất quan trọng, đặt nền móng cho hoạt động của Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn kiện toàn nhân sự các chức danh lãnh đạo của các cơ quan Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao sẽ tuyên thệ

Quốc hội sẽ dành khoảng 3 ngày làm việc để xem xét, quyết định về công tác tổ chức, nhân sự.

Cụ thể, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định số Phó Chủ tịch Quốc hội, số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bầu Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Quốc hội tiến hành bầu Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Quốc hội cũng quyết định cơ cấu tổ chức, số lượng thành viên Chính phủ; phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch và Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh; phê chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TAND Tối cao.

Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, ngay sau khi được Quốc hội bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao sẽ làm lễ tuyên thệ trước Quốc hội.

Kiện toàn 50 chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước

Trả lời báo chí cụ thể hơn về công tác nhân sự, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong kỳ họp thứ nhất, Quốc hội sẽ kiện toàn 50 chức danh theo quy định của pháp luật.

Về phía Chính phủ, Quốc hội sẽ bầu Thủ tướng, phê chuẩn việc bổ nhiệm 4 Phó Thủ tướng và 22 Bộ trưởng, trưởng ngành.

Theo ông Cường, hiện Chính phủ có 5 Phó Thủ tướng, thì lần này, trước mắt kiện toàn 4 Phó Thủ tướng và cơ bản các Phó Thủ tướng được giới thiệu tái cử. Như vậy giảm 1 Phó Thủ tướng. “Trước kiện toàn 51 chức danh, thì nay kiện toàn 50 chức danh”, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nói.

Bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác Đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho biết thêm, tại kỳ họp lần này, các chức danh được kiện toàn đã được báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, thông qua các đề án liên quan đến các chức danh của Quốc hội, cũng như đề án cơ cấu của Chính phủ.

Theo đó, trước mắt, bộ máy cơ cấu Chính phủ sẽ kiện toàn 27 chức danh gồm Thủ tướng, 4 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng cơ quan ngang Bộ.

“Đề án đã được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở đánh giá tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ 2016-2021 và trên cơ sở cân nhắc tổng thể về công tác cán bộ, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã định hướng và cho ý kiến về đề án cơ cấu của Chính phủ, trước mắt có 4 Phó Thủ tướng”, bà Thanh nói.

Nhiệm kỳ 2016-2021, Chính phủ có 5 Phó Thủ tướng, trong đó một người đồng thời là Bộ trưởng Ngoại giao. Nhưng từ kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIV, chức danh Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã được phân tách. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh không kiêm thêm Bộ trưởng Ngoại giao mà ông Bùi Thanh Sơn đã được Quốc hội phê chuẩn giữ nhiệm vụ này.

5 Phó Thủ tướng hiện nay gồm các ông Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành, Lê Minh Khái. Trong đó, ông Trương Hòa Bình không tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

Trong các Phó Thủ tướng, có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII không tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII do hết tuổi.

Hương Giang