Chính phủ vừa có tờ trình kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Chính phủ chuẩn bị 3 phương án.

Phương án ưu tiên là chuyển đổi toàn bộ 8 dự án PPP thành phần cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công. Với phương án này, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 99.493 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí tại Nghị quyết số 52/2017 là 55.000 tỷ đồng, cần bổ sung khoảng 44.493 tỷ đồng (Chính phủ kiến nghị bổ sung trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025).

Hai phương án còn lại là chuyển 5 hoặc 3 dự án PPP sang đầu tư công.

Sau phiên họp, trường hợp đủ điều kiện sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, thảo luận vào đợt 2 (8-18/6) họp tập trung của kỳ họp thứ 9.

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Văn Sinh, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế cho hay, 8 dự án thành phần này đều có thể đầu tư theo hình thức PPP hoặc đầu tư công.

"Hai hình thức đầu tư này đều có điểm thuận lợi, khó khăn riêng", ông Sinh nói. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 52 của Quốc hội, chỉ những dự án nào không triển khai được thì báo cáo Quốc hội xin chuyển đổi hình thức đầu tư.

Trước đó, tại phiên họp thứ 45 (đợt 1), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với phương án chuyển đổi đầu tư cả 8 dự án PPP sang đầu tư công.

Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, thu hút đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã huỷ sơ tuyển một lần. Hiện có 7 trong số 8 dự án thành phần có ít nhất 2 nhà đầu tư tham gia sơ tuyển, chỉ có 1 dự án không có nhà đầu tư tham gia.

"Việc tiếp tục huỷ sơ tuyển sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín Nhà nước, dư luận, tâm lý nhà đầu tư và ảnh hưởng tới công tác quản lý, triển khai các đoạn tiếp theo của toàn tuyến sau này, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP)", kết luận phiên họp thứ 45 (đợt 1) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu.

Trên tinh thần đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại tờ trình để báo cáo lần 2 theo nguyên tắc chỉ chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công với dự án không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và số ít dự án thật sự cấp bách, quan trọng, có nhà đầu tư nhưng khó có khả năng huy động vốn, khả năng đấu thầu không thành công.

Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ trên tuyến Bắc - Nam phía Đông được Quốc hội khoá XIV thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 4 (Nghị quyết số 52/2017).

Giai đoạn 2017 - 2020, đầu tư khoảng 654 km chia thành 11 dự án thành phần, trong đó 3 dự án thành phần đầu tư công và 8 dự án thành phần đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng (bao gồm 55.000 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước; 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách).

Tại phiên họp thứ 54 (đợt 2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác nhân sự chuẩn bị trình Quốc hội.

Theo dự kiến chương trình kỳ họp 9, vào đợt 2, Quốc hội sẽ miễn nhiệm Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện. Bà Nguyễn Thanh Hải vừa được Bộ Chính trị chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng với ông Vương Đình Huệ, người được Bộ Chính trị phân công, điều động làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.

Ngoài ra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội còn xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA)… 

Hương Giang