Ngày 15/10, sau 3 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 49 hoàn thành chương trình đề ra.

Theo dõi sát diễn biễn mưa lũ để ứng phó, kịp thời hỗ trợ người dân

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, các cơ quan nắm chắc các kết luận của từng nội dung để khẩn trương hoàn thiện các dự thảo luật, dự thảo nghị quyết và những nội dung sẽ báo cáo trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 (dự kiến ngày 20/10 khai mạc).

Theo bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Kỳ họp thứ 10 rất quan trọng bởi là kỳ họp cuối khóa, Quốc hội sẽ tổng kết những nhiệm vụ đã đề ra trong cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Trong thời gian diễn ra phiên họp thứ 49 cũng là lúc mưa lũ liên tiếp xảy ra ở trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung và gây thiệt hại lớn kể cả về người và tài sản của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội cho hay, đến nay vẫn còn nhiều cán bộ, chiến sĩ và đồng bào mất tích chưa tìm kiếm được. Chính phủ và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang đang tập trung đối phó khắc phục hậu quả của thiên tai.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc phiên họp thứ 49: Ảnh: TN

“Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ những mất mát, đau thương của đồng bào đang phải gánh chịu và chia sẻ với những nỗ lực, khó khăn của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đặc biệt là lực lượng tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn do Bộ Quốc phòng phụ trách đã ngày đêm không quản mưa bão đã thực hiện các biện pháp tìm kiếm để cứu nạn, cứu hộ”, bà Ngân nhấn mạnh.

Dự báo trong những ngày tới mưa lớn còn tiếp tục diễn ra. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, chính quyền các cấp và người dân tiếp tục theo dõi sát sao các bản tin về dự báo thời tiết và diễn biến của tình hình mưa lũ để có những giải pháp ứng phó khắc phục kịp thời và nhất là việc hỗ trợ về đời sống của người dân trong vùng mưa bão.

Sẽ bàn công tác nhân sự, quyết ngày bầu cử

Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội dự kiến kéo dài 19 ngày và chia làm 2 đợt. Đợt một là 7 ngày, từ ngày 20 - 27/10; đợt hai là 12 ngày, từ ngày 2-17/11.

Theo dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 4 dự án luật. Bên cạnh đó xem xét, quyết định các nội dung về kinh tế- xã hội, ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, xem xét các báo cáo công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020.

leftcenterrightdel
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: quochoi.vn 

Đáng chú ý, sẽ xem xét, quyết định phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ trưởng nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; miễn nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế, nhân sự Thẩm phán TAND Tối cao; bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thời gian qua, các cơ quan hữu quan đã chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng chuẩn bị nội dung kỳ họp nhưng vẫn chưa bảo đảm về tiến độ.

“Đến thời điểm này, nhiều nội dung vẫn chưa gửi tài liệu chính thức đến đại biểu Quốc hội”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan hữu quan khẩn trương hoàn thiện việc chuẩn bị các nội dung, nhất là các nội dung mới bổ sung để kịp gửi tài liệu đến đại biểu Quốc hội.

Hương Giang