Chiều ngày 28/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về dự thảo báo cáo trình Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW về Chiến lược Phát triển GTVT đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, các cơ quan của Bộ GTVT phải thấy nóng ruột để làm sao thúc đẩy cuộc cách mạng về đường sắt này tốt hơn ở Việt Nam.

Theo Thủ tướng, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam là rất cần thiết, do hệ thống đường sắt Việt Nam đã lạc hậu, phải được cải tạo, xây dựng mới để phát triển đất nước.

Muốn như vậy, tại cuộc họp này, Thường trực Chính phủ quyết định yêu cầu công tác chuẩn bị đầu tư phải làm tốt, kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi của các nhà khoa học, của nhân dân để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Thủ tướng nêu rõ, hệ thống đường sắt hiện có phải cải tạo nâng cấp như đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, hệ thống đường sắt đô thị tiếp tục xây dựng theo quy hoạch, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hệ hống đường sắt nối Tây Nguyên với miền Trung và TP Hồ Chí Minh, hệ thống đường sắt TP Hồ Chí Minh với miền Tây Nam Bộ.

“Không gian mở rộng hệ thống đường sắt Việt Nam còn nhiều, một đất nước không thể không có hệ thống đường sắt, nhất là có bờ biển trải dài trên 3.000 km”, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh hệ thống đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Thủ tướng yêu cầu, cần có tư duy mới về về “chọn công nghệ nào trong phát triển đường sắt Việt Nam”. Về suất đầu tư thì cần đưa ra các phương án để so sánh.

Cạnh đó, một mặt giảm đầu tư công để bảo đảm an toàn tài chính quốc gia, mặt khác phải tìm nguồn lực để phát triển các công trình hạ tầng quan trọng của đất nước.

“Một số thì đầu tư theo hình thức PPP, một số thì đầu tư ngân sách Nhà nước. Chuẩn bị mặt bằng cho các dự án này một cách chủ động chứ không “nóng đâu phủi đó”, Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng giao Bộ GTVT xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đường sắt đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt.

Theo yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ, báo cáo phải đưa ra phương án khả thi, cụ thể, đặc biệt là với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, coi đây là xương sống của chiến lược, cùng với các nhánh đường sắt liên tỉnh, liên vùng, đô thị.

Báo cáo cũng phải đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp thực hiện tốt nhất để phát triển đường sắt Việt Nam, nhất là làm chủ công nghệ mới, những công trình cụ thể, phương án huy động vốn.

Cam kết đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào vận hành trước Đại hội Đảng XIII

Chiều cùng ngày, Thủ tướng chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ về tình hình triển khai dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông - dự án được khởi công cách đây gần 10 năm.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh: TN

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, từ nay đến giữa tháng 11/2020, có từ 8 đến 10 chuyên gia tư vấn của Pháp sẽ sang Việt Nam để đánh giá an toàn dự án. Sau đó, phấn đấu trong tháng 12, hoàn thành nghiệm thu có điều kiện.

Bộ trưởng GTVT cam kết, sẽ cố gắng tối đa để đưa dự án vào vận hành thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Ghi nhận cam kết của Bộ trưởng GTVT, Thủ tướng nêu rõ, việc dự án chậm trễ là khuyết điểm cần nhanh chóng khắc phục, đồng thời rút kinh nghiệm chung cho các công trình, dự án nói chung, trong đó có dự án của Bộ GTVT.

Theo người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng không làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư là Bộ GTVT hay Hà Nội với tư cách sử dụng công trình.

Từ đó, ông yêu cầu các bộ, ngành, TP Hà Nội phải có tinh thần hợp tác cao hơn nữa, liên tục hơn nữa, dành nhiều thời gian xử lý các vấn đề đặt ra. Đồng thời lưu ý, an toàn phải đặt lên hàng đầu vì nếu để xảy ra sự cố thì tai họa rất lớn.

Cho nên, các chuyên gia, nhà tư vấn, các cuộc kiểm tra kỹ thuật cần làm đầy đủ để kết luận dự án hoàn toàn bảo đảm an toàn.

Thủ tướng nhấn trí với ý kiến Bộ Xây dựng và Văn phòng Chính phủ, việc nghiệm thu công trình sau khi Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước có ý kiến chính thức đưa vào sử dụng. Về bàn giao tài sản, do thời điểm bàn giao dự án chưa quyết toán công trình, giá trị bàn giao chưa được xác định, Thủ tướng giao Bộ Tài chính hướng dẫn Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội thủ tục bàn giao tài sản dự án đúng quy định pháp luật.

Hà Nội chuẩn bị các điều kiện cụ thể, nhất là nguồn nhân lực, quy trình, chế độ cho công nhân viên…, phối hợp với Bộ GTVT khẩn trương thực hiện các yêu cầu chính đáng của tổng thầu nói chung và bàn giao, sử dụng công trình thành thạo.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có chiều dài là 13,05km, gồm 12 ga và 1 khu depot, chủ đầu tư là Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án Đường sắt.

Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 8.770 tỉ đồng (552,86 triệu USD); tổng mức đầu tư điều chỉnh là 18.002 tỉ đồng (868,04 triệu USD), trong đó vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỉ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng 4.134 tỉ đồng (198,43 triệu USD).

Dự án được khởi công tháng 10/2011, kế hoạch hoàn thành đưa vào khai thác thương mại trong quý 2/2019.

Báo cáo của Bộ GTVT đặt ra, giai đoạn đến 2030, tiếp tục nâng cấp để khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có (trong đó ưu tiên tuyến Bắc - Nam); đẩy nhanh tiến độ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Đồng thời, nghiên cứu, triển khai xây dựng mới các tuyến nối với các cảng biển, khu công nghiệp, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Tầm nhìn đến 2050, phấn đấu hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; hiện đại hóa mạng lưới tuyến đường sắt hiện có đáp ứng chủ yếu về nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách địa phương; hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đường sắt kết nối các tỉnh Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, đường sắt xuyên Á, đường sắt kết nối các khu công nghiệp, cảng biển. 

Hương Giang