Sáng ngày 5/8, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (5/8/2002 - 5/8/2022).

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tài nguyên môi trường là yếu tố không thể thiếu với sự sinh tồn và phát triển của con người, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước.

“Đây cũng là lĩnh vực quản lý rất quan trọng và rộng lớn, khó khăn”, ông nói.

Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thực hiện chức năng quản lý 9 lĩnh vực hết sức quan trọng, gồm: đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, đo đạc và bản đồ, môi trường biển và hải đảo.

Chuyển từ thắt chặt quản lý sang kiến tạo môi trường thúc đẩy phát triển

Nhấn mạnh quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta quan tâm, lãnh đạo, người đứng đầu Chính phủ nhắc lại câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việt Nam ta có hai tiếng Tổ quốc, ta cũng gọi Tổ quốc là đất nước; có đất và có nước thì mới thành Tổ quốc, có đất lại có nước thì dân giàu, nước mạnh...”.

Nhìn lại 20 năm, Thủ tướng đánh giá, ngành tài nguyên môi trường đã không ngừng trưởng thành và phát triển, chủ động nắm bắt thuận lợi và thời cơ, bám sát thực tiễn phát triển của đất nước cũng như xu hướng quốc tế.

Ngành đã làm tốt công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước về đổi mới chủ trương, chính sách, pháp luật trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong đó, hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch, chiến lược được cơ bản hoàn thiện đồng bộ trên tất cả 9 lĩnh vực quản lý với tư duy chuyển từ thắt chặt quản lý sang kiến tạo môi trường thuận lợi, dẫn dắt và thúc đẩy phát triển.

Các nguồn tài nguyên được quản lý, sử dụng hiệu quả, đa mục đích, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước như tài nguyên đất được chuyển dịch phù hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng, tạo ra nguồn thu lớn. 

leftcenterrightdel
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Đ.X 

“Giai đoạn 2016 - 2021 đã đóng góp hơn 1 triệu tỷ đồng. Trong 20 năm đưa vào sử dụng hơn 6,74 triệu ha đất cho các mục tiêu dân sinh, kinh tế”, Thủ tướng nêu.

Công tác bảo vệ môi trường đã tạo được chuyển biến mạnh mẽ; việc xử lý rác thải được triển khai hiệu quả với các dự án, mô hình công nghệ tái chế, tái sử dụng, biến rác thải thành tài nguyên. 

Nhiều dự án thu gom xử lý nước thải để phục hồi xanh hóa các dòng sông đã và đang được triển khai. Người đứng đầu Chính phủ ấn tượng với thành công trong hồi sinh kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, việc tham gia thỏa thuận lịch sử Paris về biến đổi khí hậu và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 26) mang lại lợi ích “kép” cho Việt Nam trong tiếp cận tri thức, công nghệ, tài chính để tái cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, cũng như chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Ngoài ra, chất lượng dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai ngày càng được nâng lên với đủ độ chi tiết, tiệm cận với trình độ của các nước phát triển…

Đoàn kết có đấu tranh, chống tham nhũng, tiêu cực

Ghi nhận và biểu dương những nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thủ tướng cũng lưu ý, ngành đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Vì vậy, ông yêu cầu xây dựng Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên. 

“Càng khó khăn bao nhiêu, càng phải đoàn kết, thống nhất; phát huy tinh thần dân chủ, sức mạnh và trí tuệ tập thể. Đoàn kết có đấu tranh, có xây dựng, góp ý thẳng thắn, chứ không phải đoàn kết xuôi chiều, “dĩ hòa vi quý”, Thủ tướng nói rõ, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai công tác có trọng tâm, trọng điểm. 

Đi cùng với đó là xây dựng bộ máy tinh gọn phải gắn với cơ cấu lại, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trách nhiệm, chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn cao, có bản lĩnh, tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn.

leftcenterrightdel
 Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Đ.X

Theo Thủ tướng, phải đẩy mạnh phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm gắn với đảm bảo các điều kiện nguồn lực thực hiện và tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. 

“Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, rõ người, rõ việc, rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả, đề cao vai trò người đứng đầu; thúc đẩy bộ máy hành chính vận hành tiến về phía trước với phương châm sáng tạo, hành động, hiệu quả phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp và đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường”, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu.

Nhiệm vụ nữa được Thủ tướng yêu cầu, là phải khơi thông, giải phóng tối đa các nguồn lực tài nguyên cho phát triển và bảo vệ môi trường sống an toàn cho nhân dân. Trong đó, trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, giải pháp của Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.

“Khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, cản trở trong quản lý sử dụng đất đai, giải phóng, phát huy nguồn lực quan trọng này cho phát triển đất nước”, Thủ tướng lưu ý.

Không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần 

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung hoàn thành việc lập, phê duyệt các quy hoạch, chiến lược đảm bảo khả thi, định hình không gian phát triển của đất nước với tầm nhìn dài hạn để phân bổ, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu thực hiện chiến lược phát triển nhanh và bền vững. 

Đẩy mạnh chuyển đổi xanh; chuyển đổi số, xây dựng tài nguyên số trên nền tảng dữ liệu lớn; có giải pháp ứng phó hiệu quả với nguy cơ suy giảm, suy thoái nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia; triển khai đưa Luật Bảo vệ môi trường đi vào cuộc sống…

“Kiên quyết, kiên trì quan điểm và hành động không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để hiện đại hóa hệ thống mạng lưới khí tượng thủy văn. Thể chế hóa, lồng ghép yêu cầu giảm phát thải vào các quy hoạch, chiến lược, chuyển dịch mô hình phát triển nhằm đạt mục tiêu phát thải bằng "0" vào năm 2050.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Ảnh: Đ.X

Theo Thủ tướng, cần đầu tư nguồn lực ưu tiên thích ứng với biến đổi khí hậu bằng các giải pháp công trình và phi công trình; chuẩn bị nội lực để từng bước chủ động thực hiện những cam kết với quốc tế cũng như các hành động cấp bách “không hối tiếc” trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta, huy động nguồn lực bằng các hình thức hợp tác công tư.

“Các nhiệm vụ của ngành Tài nguyên và Môi trường trong giai đoạn tiếp theo là hết sức nặng nề với nhiều bài toán “hóc búa” cần lời giải phù hợp, kịp thời, hiệu quả”, Thủ tướng nói và bày tỏ tin tưởng, ngành sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp ngày càng nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất tặng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. 

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao các phần thưởng cao quý cho các tập thể, cá nhân thuộc bộ.

Hương Giang