Chiều ngày 5/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương.

Cuộc họp được kết nối tới toàn bộ 63 tỉnh, TP, 705 quận, huyện, thị xã, 9.043 xã, phường, thị trấn trên cả nước, để đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp trọng tâm phòng chống dịch thời gian tới.

Chống dịch đang đi đúng, trúng hướng

Kết luận cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ đánh cao các tỉnh, TP thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, nỗ lực nhiều dù thời gian giãn cách dài.

Ông cũng biểu dương các lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, tình nguyện viên, cho thấy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc rõ nét, hiệu quả, làm vì tình đồng bào, đồng chí, “lá lành đùm lá rách”, thương người như thể thương thân, thể hiện được truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.

Trong lúc vaccine còn thiếu thì phòng dịch là quan trọng, trong đó phải thực hiện giãn cách xã hội để ngăn chặn nguồn lây, tìm kiếm F0, phát hiện truy vết tìm F1 để cách ly.

“Rút kinh nghiệm hai năm qua, học hỏi kinh nghiệm thế giới, qua đó, từng bước hoàn thiện biện pháp chống dịch, chúng ta đang đi đúng, trúng hướng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo người đứng đầu Chính phủ, kết quả chưa được như mong muốn, tình hình dịch còn phức tạp, khó lường, trong khi đời sống của nhân dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp rất khó khăn.

Để sớm kiểm soát dịch bệnh, trở lại trạng thái bình thường mới trên toàn quốc, Thủ tướng nêu rõ, phải phấn đấu thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết 86 của Chính phủ, công điện của Thủ tướng…. với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, vừa là trung tâm phục vụ, vừa là chủ thể thực hiện phòng chống dịch.

“Chúng ta phải khẳng định, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân”, Thủ tướng nói và yêu cầu, những nơi chưa kiện toàn các ban chỉ đạo thì phải kiện toàn ngay, ban hành ngay quy chế làm việc; thiết lập trung tâm chỉ huy, ứng trực 24/24.

Dứt khoát không để giãn cách "chập chờn"

Thủ tướng yêu cầu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy chính quyền các cấp. Các địa phương khi phải thực hiện giãn cách, tăng cường giãn cách xã hội phải xác định mục tiêu cụ thể cần đạt được là gì?

Trong thời gian giãn cách xã hội, phải kiểm soát được dịch bệnh theo tiêu chí của Bộ Y tế, dứt khoát không để tình trạng giãn cách không triệt để, kéo dài mà không đạt được mục tiêu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội và đời sống nhân dân.

“Giãn cách xã hội mà làm chập chờn thì mất cả hai: Không kiểm soát được dịch mà kinh tế thì thiệt hại, đời sống nhân dân thì bị ảnh hưởng”, Thủ tướng nói.

Ông nhấn mạnh, phải kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm nếu buông lỏng quản lý, lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt.

leftcenterrightdel

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Ban Chỉ đạo với các địa phương. Ảnh: N Bắc 

Các địa phương, nhất là các xã, phường, thị trấn đang thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, thực hiện triệt để 5 nhiệm vụ.

Đó là: Thực hiện nghiêm ngặt các quy định về giãn cách, cách ly, “ai ở đâu ở đó”; bảo đảm an sinh xã hội, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở xã, phường, thị trấn, khi người dân có yêu cầu, phải đáp ứng kịp thời; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, an dân trên địa bàn; tuyên truyền, vận động để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo và dân làm trong phòng, chống dịch.

Các địa phương tiếp tục giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội cũng phải thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân một cách hiệu quả và bảo đảm an toàn.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải cố gắng phấn đấu đến 15/9 tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất ba lần (2-3 ngày/lần); các khu vực khác lấy mẫu xét nghiệm tất cả người dân ít nhất một lần (từ 5-7 ngày/lần) theo hướng dẫn của Bộ Y tế để nhanh chóng đưa F0 ra.

Cùng với đó, tiếp tục mở rộng, nâng cao năng lực điều trị và đảm bảo đủ máy thở, oxy y tế và thuốc điều trị, nhất là ở tầng 2 để giảm số bệnh nhân chuyển nguy kịch, tử vong; thiết lập và vận hành hiệu quả các Trạm Y tế lưu động.

Chuẩn bị kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh

Với vaccine thì khẩn trương tiêm ngay khi được phân bổ. Theo Thủ tướng, phải tổ chức các hình thức tiêm chủng phù hợp như tiêm lưu động, tiêm tại nhà; ưu tiên tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người dân tại khu vực nguy cơ cao, rất cao, khu vực có mật độ dân cư cao.

TP Hà Nội, TP HCM, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An hoàn thành tiêm mũi 1 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những người đủ thời gian. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Y tế lên phương án tiêm vaccine cho học sinh…

Ngoài ra, phải bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội;  từng bước khôi phục và đẩy mạnh sản xuất tại các địa phương kết thúc giãn cách xã hội..

Người đứng đầu Chính phủ đặc biệt lưu ý, các địa phương không bàn hành “giấy phép con” gây ùn tắc cục bộ, gây phiền hà, bức xúc cho người dân.

“Các địa phương khi ban hành theo thẩm quyền các quy định về phòng, chống dịch, nhất là vấn đề giao thông, lưu thông hàng hóa, cần cân nhắc kỹ lưỡng cách làm, thời điểm thực hiện, đánh giá tác động, chuẩn bị truyền thông… phải bảo đảm hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch trên địa bàn”, Thủ tướng nêu rõ.

Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tuân thủ thực hiện nhất quán, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương.

“Trong nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch cần chủ động, nghiên cứu, chuẩn bị các kịch bản thích ứng an toàn với dịch bệnh khi có nhiều vaccine hơn trong một, hai tháng tới, nhất là ở những nơi đã tiêm đủ vaccine”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Hiện lãnh đạo Đảng, Nhà nước đang rất nỗ lực bằng mọi cách, ngoại giao song phương, đa phương, ngoại giao cấp nguyên thủ quốc gia, cấp bộ... để đưa vaccine về nước nhiều nhất, nhanh nhất có thể để tiêm cho nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, khi đã tiêm được 2 mũi vaccine thì có thể thiết lập kịch bản thích ứng an toàn như giao thông an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn, ý thức an toàn tự bảo vệ mình và gia đình mình, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Một lần nữa, Thủ tướng yêu gọi nhân dân chia sẻ, tích cực tham gia phòng chống dịch.

Hương Giang