Hôm nay 2/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 khi còn chưa đầy 30 ngày nữa là kết thúc năm 2020 - một năm đầy biến động, thách thức, khó khăn.

Phát biểu khai mạc, người đứng đầu Chính phủ đề cập đến trường hợp lây nhiễm COVID-19 ra cộng đồng ở TP Hồ Chí Minh.

Hôm qua, thường trực Chính phủ đã họp về vấn đề này, chỉ đạo “thần tốc, thần tốc hơn nữa, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm khắc những cá nhân, tổ chức liên quan không thực hiện đúng quy trình cách ly làm lây nhiễm bệnh; giao Bộ Giao thông Vận tải xử lý trực tiếp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

“Tinh thần là quyết liệt hơn nữa, thực hiện nghiêm túc các biện pháp”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, không để dịch bệnh lây lan, ảnh hưởng đến các hoạt động, sự kiện lớn của đất nước.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần tháo gỡ hơn nữa cho sản xuất kinh doanh, kể cả vấn đề đầu tư công và các mặt khác để tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong tháng 12.

Ông cũng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết 01 năm 2021.

“Đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo tôi là khả năng sẽ vượt thu ngân sách và từ đó theo thống kê mà đồng chí Nguyễn Chí Dũng (Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư) báo cáo sau đây, chúng ta sẽ đạt con số từ 2,5 - 3% tăng trưởng”, Thủ tướng nói.

Theo nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam, có thể phục hồi tăng trưởng 7% hoặc trên 7% trong năm 2021. Trong khối ASEAN, Việt Nam giữ được đà tăng trưởng có thể nói là cao nhất.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quang Hiếu

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp trên thế giới, Việt Nam là một điểm sáng khi vẫn duy trì được đà tăng trưởng dương. Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt được những kết quả khả quan.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2020 giảm 0,01% so với tháng trước. Bình quân 11 tháng năm 2020, CPI chỉ tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, xuất siêu ở mức kỷ lục 20,1 tỷ USD; xuất khẩu đạt 254 tỷ USD. Có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; 11 tháng 2020 giải ngân đạt 79,3% kế hoạch, tăng 34% so với cùng kỳ (mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2020).

Sản xuất công nghiệp có bước khởi sắc. Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tiếp tục xu hướng phục hồi; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2020 tăng 8,5%. Doanh nghiệp thành lập mới tăng 6,7% so với cùng kỳ...

Chính phủ chúc mừng 3 thành viên mới

Cũng tại phiên họp, các thành viên Chính phủ đã chúc mừng tân Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã phê chuẩn nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với tỉ lệ rất cao.

“Chúng tôi đã trực tiếp đến trao quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm và phát biểu với các đồng chí”, Thủ tướng nói.

Ông Huỳnh Thành Đạt, 58 tuổi, quê quán huyện Mỏ Cày, Bến Tre, là PGS.TS Vật lý. Ông từng trải qua các vị trí tại Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh như: Chánh Văn phòng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Phó Giám đốc Thường trực và Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Bà Nguyễn Thị Hồng, 52 tuổi, quê quán tại Hà Nội, Thạc sĩ Kinh tế; từng giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, trước khi được bổ nhiệm chức vụ Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Thanh Long, 54 tuổi, quê quán Nam Định, là GS.TS Y học và trải qua nhiều cương vị tại Bộ Y tế. Ông từng đảm nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Y tế từ tháng 12/2011. Tại Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 7/7/2020, Thủ tướng Chính phủ giao quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho ông Nguyễn Thanh Long. 

Hương Giang