Ngày 11/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại phiên họp 48.

Theo dự thảo, lực lượng dân phố, dân phòng, công an xã, thị trấn bán chuyên trách đã kết thúc nhiệm vụ được sắp xếp, bố trí lại thành lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Có đảm bảo khả thi với sức chịu đựng của ngân sách?

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, nếu sắp xếp thống nhất 3 lực lượng trên sẽ cắt giảm khoảng 500 nghìn người. Tương đương với đó, là cắt giảm chi 375 tỷ đồng/tháng để chi hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

“Việc đề xuất xây dựng, ban hành luật không làm phát sinh tăng biên chế, không tăng chi ngân sách Nhà nước mà góp phần giảm số lượng người hoạt động không chuyên trách và giảm chi ngân sách Nhà nước”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, có ý kiến cho rằng, các quy định về tuyển chọn, thành lập, công nhận chức danh; nơi làm việc, trang bị, trang phục, phù hiệu, giấy chứng nhận và các chế độ, chính sách khác như trong dự thảo luật có thể dẫn đến việc “chuyên nghiệp hóa”, “chính quy hóa” lực lượng này.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, quy định về điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở có thể làm phát sinh chi phí, ngân sách Nhà nước, nhất là các quy định về bố trí nơi làm việc, phương tiện hoạt động, thanh toán công tác phí, hỗ trợ thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế...

Từ đó, các ý kiến này đề nghị rà soát, chỉ quy định một số điều kiện và chế độ, chính sách thực sự cần thiết, có lộ trình cụ thể cho phù hợp với khả năng bố trí kinh phí của Trung ương và từng địa phương, nhất là các địa phương khó khăn; nghiên cứu quy định một số chính sách xã hội hóa nguồn lực bảo đảm, hỗ trợ hoạt động của lực lượng này.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: NT

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng băn khoăn về việc sau khi hợp nhất 3 lực lượng thì số nhân sự sẽ tăng lên khoảng 800 nghìn người so với hiện tại, làm ngân sách phải bổ sung kinh phí chi lớn.

Theo ông Tùng, dự thảo luật không tiếp tục duy trì lực lượng công an xã bán chuyên trách, không tiếp tục duy trì đội bảo vệ dân phố, cắt giảm phụ cấp. Nhưng dự thảo luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng chế độ bồi dưỡng hàng tháng.

“Đây là vấn đề cần hết sức cân nhắc, có tính toán kỹ về điều kiện bảo đảm khi dự án luật quy định ngân sách địa phương sẽ bảo đảm cho hoạt động của các lực lượng này”, ông Tùng phân tích.

Tán thành ban hành dự án luật, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu kỹ các chính sách. Theo bà Ngân, chính sách, điều kiện phải đúng tính chất của tổ chức tự nguyện quần chúng để đảm bảo khả thi với sức chịu đựng của ngân sách.

"Phải bố trí địa điểm làm việc riêng cho lực lượng này thì không phù hợp với thực tiễn. Các đồng chí tưởng tượng không, mỗi địa bàn xã, phường, thôn đều có 1 tổ, trong khi những nơi này đã có nhà văn hoá", bà Ngân dẫn chứng.

Lực lượng an ninh, trật tự ở cơ sở có khoảng 1,5 triệu người

Trước nhiều ý kiến băn khoăn về việc phát sinh biên chế, chi phí từ ngân sách cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 180.799 đơn vị cấp thôn (thôn, bản, làng, ấp, dân phố, đơn vị dân cư tương đương).

Theo quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, mỗi thôn phải lập một đội dân phòng trung bình khoảng 10 người thì nếu thành lập hết theo quy định tổng số thành viên của lực lượng dân phòng trên toàn quốc là 1,8 triệu người.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nghiên cứu kỹ các chính sách. Ảnh: NT

Bộ trưởng cho hay, theo quy định của luật, tổng số các lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, công an xã bán chuyên trách vào khoảng 2 triệu người.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay mới thành lập được 23% đội dân phòng (543.095 người). Cùng với đó, có khoảng 72.000 người bảo vệ dân phố ở các đô thị và trên 126.000 người là công an xã bán chuyên trách.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng thông tin, trung bình mỗi người trong các lực lượng này được hưởng mức phụ cấp là 300.000 đồng/người/tháng. Theo đó, ngân sách Nhà nước phải chi 600 tỷ đồng/tháng để trả; mỗi tỉnh cần khoảng 10 tỷ đồng/tháng.

"Đây là chi theo mức quy định của pháp luật chứ chúng tôi không tự xây dựng được con số đó”, ông Tô Lâm nói.

Theo ông Tô Lâm, quy định tại dự thảo luật lần này thống nhất 3 lực lượng nói trên và bỏ chế độ chi trả phụ cấp hàng tháng thì tính trung bình một thôn có một tổ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở từ 5 - 10 người thì toàn quốc có khoảng 1,5 triệu người tham gia lực lượng này.

“Con số này so với con số theo luật định kia giảm 50.000 người”, ông Lâm phân tích, và nói thêm đây là con số ước tính theo luật còn con số triển khai trên thực tế thế nào thì có thể khác.

Bộ trưởng Công an cũng cho biết, dự kiến trung bình hàng tháng, các địa phương chi hỗ trợ cho một chức danh thuộc lực lượng này khoảng 300.000 đồng từ ngân sách Nhà nước. Như vậy, cần khoảng 450 tỷ để chi trả cho khoảng 1,5 triệu người

“Theo quy định của dự thảo luật thì hàng tháng toàn quốc sẽ cắt giảm được khoảng 150 tỷ đồng từ ngân sách để chi trả hỗ trợ hoạt động của các lực lượng tham gia bảo đảm trật tự trị an cơ sở”, ông Lâm nêu.

Dự thảo luật quy định, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là “lực lượng quần chúng tự nguyện” được tuyển chọn, tham gia phối hợp, hỗ trợ lượng Công an thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự.

Lực lượng này được hưởng mức hỗ trợ hàng tháng, được hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế theo mức do HĐND cấp tỉnh quyết định; được hưởng chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ…Đồng thời được bố trí địa điểm, nơi làm việc; trang phục, huy hiệu, phù hiệu, biến hiệu…. 

Hương Giang