Phát biểu tại tổ thảo luận Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều ngày 26/5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, mục tiêu sau khi sửa Luật Thanh tra phải góp phần nâng cao được năng lực, hiệu lực, hiệu quả của ngành Thanh tra và hoạt động thanh tra.

“Nói cách khác là phải xây dựng được ngành Thanh tra trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực”.

Phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở đây không chỉ tác động của thanh tra với xã hội, mà còn phải “phòng chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong hoạt động thanh tra và cơ quan thanh tra”.

“Do đó, phải ứng được yêu cầu rất công khai, minh bạch, đảm bảo kết luận và kiến nghị thanh tra đưa ra trên cơ sở những đánh giá khách quan, không ai can thiệp được vào hoạt động này”, ông Vương Đình Huệ nói.

Cạnh đó, là giảm bớt phiền hà cho đối tượng thanh tra, tránh chồng chéo, trung lắp.

Còn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc quản lý đoàn thanh tra rất quan trọng và đây là vấn đề lớn. Theo ông, đoàn thanh tra phải “ăn riêng, ở riêng, có chế độ thông tin riêng...”, bởi nếu không có cơ chế quản lý chặt chẽ thì khó có thể phát hiện những vấn đề lớn qua thanh tra.

“Đoàn thanh tra lỏng lẻo, đơn giản, tự do giao du, đơn giản trong quản lý thì không được”, ông Nguyễn Xuân Phúc nói rõ, quy chế đoàn thanh tra phải được đặt ra mạnh mẽ hơn trong quá trình thanh tra một vụ việc được giao.

Bỏ hình thức thanh tra thường xuyên để không “chồng chéo” với kiểm tra

Một vấn đề nữa, ông Vương Đình Huệ bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Theo ông, “thanh tra thường xuyên chính là hoạt động kiểm tra”, đây là hoạt động thường xuyên của cơ quan chức năng trong bộ máy Nhà nước.

“Lãnh đạo quản lý phải có kiểm tra. Nếu để thanh tra thường xuyên thì trùng với kiểm tra. Và cũng có tình trạng phản ánh là “thanh tra thường xuyên cũng giống giống thường xuyên thanh tra”, Chủ tịch Quốc hội nói và cho rằng, bỏ hình thức thanh tra thường xuyên sẽ có tác động tốt, tích cực.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật cũng tán thành với quy định của dự thảo luật về việc không tiếp tục quy định hình thức thanh tra thường xuyên nhằm phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra, góp phần khắc phục hạn chế đã được chỉ ra qua tổng kết về tình trạng “chồng chéo, trùng lặp” dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.

Theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành có 3 hình thức thanh tra là: Thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất.

Trên cơ sở nhận thức rõ thực trạng “hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành dày đặc, gây bức xúc cho đối tượng thanh tra, kiểm tra”, dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, giữa hoạt động thanh tra với kiểm tra, kiểm toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, cơ quan này cơ bản tán thành với các quy định của dự thảo luật; đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán với cơ quan thanh tra trong quá trình xây dựng định hướng chương trình, kế hoạch thanh tra; chỉnh lý quy định của dự thảo luật về xử lý chồng chéo với hoạt động kiểm toán để thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán Nhà nước. 

Hương Giang