Sáng ngày 18/9, 100% Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ QH có mặt đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thành lập và quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được thành lập trên cơ sở hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH và Văn phòng HĐND tỉnh, TP trực thuộc trung ương.

Việc thành lập Văn phòng này do HĐND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Thường trực HĐND cùng cấp sau khi thống nhất với Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH.

Không quá 3 Phó Chánh Văn phòng

Theo nghị quyết, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh có Chánh Văn phòng và không quá 3 Phó Chánh Văn phòng.

Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh được tổ chức thành các phòng gồm: Phòng Công tác Quốc hội; Phòng Công tác HĐND; Phòng Hành chính - Tổ chức - Quản trị.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương có thể quyết định thành lập thêm 1 phòng nữa để phụ trách mảng công việc có tính chất tương đối độc lập, thuộc chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh.

leftcenterrightdel
Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: N.T 

Giải trình trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, ban đầu dự thảo xây dựng Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh chỉ có 3 phòng. Nhưng sau khi tổ chức hội nghị toàn quốc, nhiều ý kiến đề nghị cho thêm 1 phòng nữa.

“Tức là, có 3 phòng “cứng”, còn 1 phòng “mềm” do địa phương quyết định. Ý kiến này, nhiều địa phương đồng tình. Chính phủ cũng đồng tính với quan điểm này”, ông Phúc cho hay.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay, Uỷ ban này đồng tình Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh có không quá 4 phòng.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc thành lập phòng “mềm” nên có tiêu chí theo quy định của Trung ương về biên chế, nhiệm vụ tránh lập 1 phòng chỉ có 3 biên chế, trong đó, có 1 trưởng, 1 phó.

Và không quá 3 Phó Trưởng phòng

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh, không lo lắng về số lượng cấp phó vì đã có quy định “ràng buộc về biên chế và tỉnh loại I, II, III”.

Nghị quyết nêu rõ, phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có ít hơn 10 biên chế công chức; phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐN cấp tỉnh loại I có ít hơn 9 biên chế công chức; phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh loại II và loại III có ít hơn 8 biên chế công chức được bố trí 1 Phó Trưởng phòng.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu. Ảnh: quochoi.vn

Phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức; phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh loại I có từ 9 đến 14 biên chế công chức; phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh loại II và loại III có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 2 Phó Trưởng phòng;

Phòng thuộc Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 3 Phó Trưởng phòng.

Biên chế của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND nằm trong tổng biên chế hành chính của địa phương, do HĐND cấp tỉnh quyết định.

Số lượng Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng của Văn phòng ĐBQH và HĐND cấp tỉnh sau khi được thành lập có thể cao hơn số lượng quy định tại nghị quyết này nhưng địa phương phải có giải pháp điều chỉnh, sắp xếp lại số cấp phó vượt quy định, bảo đảm trong thời hạn 3 năm kể từ ngày nghị quyết này có hiệu lực thi hành, số lượng Phó Chánh Văn phòng, Phó Trưởng phòng của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh theo đúng quy định tại Nghị quyết này.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, cùng thời điểm hiệu lực của Luật Tổ chức QH đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 để thuận tiện và kịp thời trong việc triển khai, tổ chức thực hiện.

Với các địa phương không thực hiện thí điểm thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn ĐBQH, Văn phòng HĐND và Văn phòng UBND cấp tỉnh theo Nghị quyết số 580/2018/UBTVQH14 ngày 4/10/2018 của Ủy ban Thường vụ QH thì việc thành lập Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND cấp tỉnh phải hoàn thành chậm nhất là ngày 30/6/2021.

Hương Giang