Chiều nay (2/4), sau khi thảo luận tại đoàn, Quốc hội tiến hành bỏ phiếu kín để miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng.

Sau khi có kết quả kiểm phiếu, Quốc hội đã thông qua nghị quyết miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hơn 2 năm qua, trong điều kiện cụ thể, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đồng thời giữ cương vị Chủ tịch nước. Mặc dù nhiệm vụ rất nặng nề nhưng trách nhiệm cao cả trước Đảng, nhân dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đã dành hết tâm sức của mình cho sự phát triển của đất nước, hoàn thành xuất sắc trọng trách trên cương vị Chủ tịch nước". 

“Thay mặt Quốc hội, xin trân trọng cảm ơn và kính chúc Tổng Bí thư luôn mạnh khỏe, cùng Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân đưa đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững”, ông Huệ nói. 

Sau khi Quốc hội tiến hành miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước đối với ông Nguyễn Phú Trọng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trình nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước.

Theo tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu ông Nguyễn Xuân Phúc để bầu Chủ tịch nước.

Trước đó, sáng nay, Quốc hội đã miễn nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ với ông Nguyễn Xuân Phúc.

Tiếp đến, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước.

Sáng 5/4, sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu, Quốc hội sẽ thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ tịch nước.

Sau đó, Quốc hội tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tân Chủ tịch nước sẽ tuyên thệ sau khi được bầu.

leftcenterrightdel
Quốc hội chính thức miễn nhiệm chức Chủ tịch nước với ông Nguyễn Phú Trọng và giới thiệu nhân sự thay thế để Quốc hội bầu là ông Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Đ.X 

Tại buổi họp báo chương trình kỳ họp 11 vào ngày 23/3, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, lần đầu tiên, Quốc hội sẽ bầu đương kim Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch nước.

Vì vậy, Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng trước, sau đó mới tiến hành miễn nhiệm Chủ tịch nước để tránh chuyện “Thủ tướng miễn nhiệm mình”.

Ông Nguyễn Xuân Phúc năm nay 67 tuổi (sinh ngày 20/7/1954), quê xã Quế Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Vào Đảng năm 1982, ông có trình độ cao cấp lý luận chính trị, cử nhân kinh tế.

Ông là Ủy viên Bộ Chính trị 3 khóa (XI, XII, XIII); Ủy viên Trung ương Đảng 4 khóa (X, XI, XII, XIII); đại biểu Quốc hội 3 khoá (XI, XIII, XIV).

Năm 2006, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần đầu khi 52 tuổi; vào Bộ Chính trị lần đầu vào năm 2011, khi 57 tuổi.

Trong quá trình công tác, ông Nguyễn Xuân Phúc đã kinh qua các chức vụ như: Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Năm 2011, ông được bầu giữ chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ.

Đến năm 2016, ông được tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016.

Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Tháng 1/2021, ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và được bầu vào Bộ Chính trị nhiệm kỳ 2021-2026.

Hương Giang