Chiều ngày 1/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống COVID-19 báo cáo tình hình và các biện pháp phòng chống.

Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu nêu cao tinh thần cảnh giác ở mọi địa bàn, thực hiện 5K, đặc biệt là việc đeo khẩu trang nơi công cộng như bệnh viện, trường học, siêu thị...

“Tiếp tục thực hiện chiến lược từng mang lại hiệu quả trong 2 đợt dịch trước đây là kiểm soát chặt chẽ từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả và có trách nhiệm”, Thủ tướng nêu rõ.

“Không để vòng tuần hoàn dịch thứ 3 xảy ra lây nhiễm ra cộng đồng

Với TP Hồ Chí Minh, Thủ tướng yêu cầu, cấp tốc, thần tốc điều tra truy vết mọi đối tượng F1 và F2, số lượng người đã phát hiện, “không để vòng tuần hoàn dịch thứ 3 xảy ra lây nhiễm ra cộng đồng”.

Với trường hợp lây nhiễm ra cộng đồng vừa qua, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.

Theo người đứng đầu Chính phủ, xác định đây là vi phạm nghiêm trọng, cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân liên quan vì vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng việc xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan.

Với các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và địa phương trong cả nước, đều phải thực hiện đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên kiểm soát các nơi có thể xảy ra ổ dịch như siêu thị, bệnh viện, bến xe, nhà máy, trường học.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, dịch bệnh COVID -19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, đặc biệt gia tăng mạnh tại các quốc gia khu vực châu Âu, nhiều nước đã phong tỏa, đóng biên giới.

Với nước ta, sau 88 ngày không ghi nhận trường hợp mắc tại cộng đồng, ngày 30/11, ghi nhận trường hợp bệnh nhân (BN1347) có tiền sử tiếp xúc với tiếp viên hàng không trong thời gian cách ly tại nhà.

Nhận định nguy cơ dịch xâm nhập vào Việt Nam luôn thường trực, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị không tổ chức thực hiện các chuyến bay thương mại vì chưa có hiệu quả về kinh tế và có nhiều rủi do trong việc lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 (đã có chuyến bay từ Nga về Việt Nam đã ghi nhận 12 ca dương tính COVID-19).

Cùng với đó, dừng việc tổ chức tiến hành các chuyến bay trọn gói do UBND các tỉnh, TP phối hợp với các công ty dịch vụ thực hiện gây quá tải cho các khu cách ly tại địa phương.

Bộ Y tế cũng đề nghị, tất cả các trường hợp nhập cảnh Việt Nam, kể cả công dân Việt Nam phải có giấy xét nghiệm không COVID-19 mới giải quyết cho vào hoặc về Việt Nam. 

"Chủ tịch UBND các tỉnh kiểm tra, đôn đốc nghiêm bởi hiện có tâm lý chủ quan, coi thường, cho rằng không có dịch trong khi dịch có thể xảy ra, đe dọa trực tiếp địa phương, cần rút kinh nghiệm sâu sắc, nhất là trong hệ thống y tế", Thủ tướng nhấn mạnh.

Các cấp, ngành và địa phương khi tiếp khách nước ngoài, người từ nước ngoài về, vùng có khả năng lây nhiễm cao phải hỏi ý kiến Bộ Y tế về quy cách, hình thức tiếp khách, đảm bảo thực hiện nghiêm. Ngay cả Văn phòng Chính phủ cũng phải rà soát lại các đoàn khách nước ngoài.

Giãn cách xã hội với khu vực có nguy cơ cao, khoanh vùng hợp lý

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu rõ các chuyến bay thương mại tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết).

"Chỉ những trường hợp cần thiết mới về, kể cả Tết Nguyên đán cũng hạn chế vì nhiều chuyến bay, ca nhiễm dương tính về Việt Nam rất nguy hiểm", người đứng đầu Chính phủ lưu ý.

Hành khách trên mọi chuyến bay về nước thì đều phải được cách ly 14 ngày. Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải cùng Bộ Y tế chỉ đạo việc các hãng hàng không thực hiện cách ly nghiêm túc, không để tình trạng lỏng lẻo.

Bên cạnh đó, tiếp tục dừng các hoạt động không cần thiết; các hoạt động tập trung đông người phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Thực hiện giãn cách xã hội với khu vực có nguy cơ cao và có chủ trương khoanh vùng hợp lý, không giãn cách xã hội tràn lan ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phổ cập tinh thần không chủ quan trong phòng chống dịch vì dịch còn diễn biến phức tạp trên toàn thế giới; hướng dẫn người dân đề phòng bệnh tật. Đồng thời, ngăn chặn thông tin tiêu cực, bịa đặt.

“Tinh thần chủ động, tích cực, không mất cảnh giác chứ không phải tinh thần hoang mang, run sợ khi một ca lây nhiễm trong cộng đồng xảy ra ở TP Hồ Chí Minh”, Thủ tướng nói.

Đồng thời, bảo đảm năng lực cho hệ thống, kể cả tinh thần sẵn sàng đi đầu trong phòng chống dịch. Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề vaccine ngừa COVID-19, sớm có phương án báo cáo Thường trực Chính phủ.

Một lần nữa, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu, TP Hồ Chí Minh triển khai mọi biện pháp, xử lý các trường hợp F1, F2 kiên quyết, kịp thời, thần tốc.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc COVID-19, đến ngày 30/11, TP Hồ Chí Minh ghi nhận 4 ca mắc mới, trong đó có 1 ca lây trong khu cách ly và 3 ca lây ngoài cộng đồng, trong đó có bệnh nhân (BN) 1347.

Cụ thể, BN 1342 (tiếp viên hàng không Vietnam Airlines) trường hợp đầu tiên lây nhiễm COVID-19 từ khu cách ly, sau khi về nhà bệnh nhân này lây nhiễm cho BN 1347. Từ BN 1347 đến nay có thêm 2 bệnh nhân khác lây nhiễm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bé 1 tuổi ở quận 6 (TP Hồ Chí Minh), có tiếp xúc gần với BN 1347 vào các ngày 22, 23, 25 và 27/11 (bố mẹ bệnh nhi nhờ BN 1347 trông bé hộ). Bé được lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đêm ngày 30/11.

Trường hợp khác là một nữ sinh lây nhiễm từ BN1347, sinh năm 1992, là học viên của BN1347. Qua điều tra, truy vết, có 9 người tiếp xúc gần nữ sinh này đã được cách ly và chờ xét nghiệm.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhấn mạnh, BN1347 và BN1342 đã không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà. Riêng BN1342 vi phạm nghiêm trọng về phòng chống COVID-19 tại khu cách ly tập trung và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định. 

Hương Giang