Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS.

Người nhiễm HIV phải thông báo với “người chuẩn bị kết hôn”

Một trong những điểm mới của dự thảo luật này là bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật.

Bày tỏ quan điểm đồng tình, nhưng theo đại biểu (ĐB) Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cần phải làm rõ căn cứ xác định người chuẩn bị kết hôn là như thế nào, cần giấy tờ gì để chứng minh là người chuẩn bị kết hôn vì hiện tại pháp luật chưa quy định như thế nào là người chuẩn bị kết hôn.

ĐB Phan Thái Bình (tỉnh Quảng Nam) nêu người chuẩn bị kết hôn thì rất nhiều, có người chuẩn bị 2-3 năm chưa kết hôn, có người chưa chuẩn bị gì cả nhưng cần phải kết hôn ngay.

"Người chuẩn bị kết hôn là người đăng ký kết hôn hay như thế nào? Chỗ này phải nói rõ nếu không khi áp dụng vào thực tiễn quan điểm sẽ khác nhau", ông Quân nói.

Còn ĐB Lê Quang Trí (Tiền Giang) đề nghị nghiên cứu điều chỉnh thành “thông báo ngay" kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho vợ, chồng, người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết theo quy định của pháp luật.

Giải thích thêm, theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho đến thời điểm hiện nay theo báo cáo chung của Bộ Y tế thì số lượng người nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đã tăng từ 40% năm 2011 lên tới 70% vào năm 2019.

Vì vậy, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, quy định buộc người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho người có quan hệ tình dục hoặc người chuẩn bị kết hôn với mình biết là “phù hợp để triển khai được các hoạt động phòng, chống AIDS trong tình hình mới”.

12 năm, Quỹ Hỗ trợ mới huy động được hơn 5,7 tỷ đồng

Tại dự án luật này, Chính phủ đề xuất bãi bỏ Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra là Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội không đồng tình. “Ủy ban đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc bãi bỏ quỹ này”, Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nói.

Ủng hộ đề xuất của Chính phủ, theo ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng), trong vòng 12 năm từ (2008 đến năm 2020) quỹ mới chỉ huy động được hơn 5,7 tỉ đồng, trung bình là 480 triệu đồng/1 năm.

“Những năm gần đây, số tiền huy động có xu hướng giảm. Cá biệt, có những năm chỉ huy động được vài chục triệu đồng, như năm 2016 là 69 triệu đồng, năm 2017 là 59 triệu đồng và năm 2019 chỉ có 11 triệu đồng”, bà Dung nói.

Vẫn theo bà Dung, những năm qua, hoạt động của quỹ chủ yếu là tặng quà, mua sữa thay thế, mua thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ nhiễm HIV từ 6 đến 15 tuổi. Còn việc chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS thời gian qua chủ yếu từ nguồn tài trợ.

Dù kinh phí huy động được cho quỹ thấp nhưng các hoạt động chi của quỹ hạn chế nên số tiền chưa chi được lại rất nhiều. Trong 5,7 tỉ huy động được mới chỉ chi được 3,4 tỉ, vẫn còn tồn 2,3 tỉ chưa sử dụng hết, tỷ lệ là 40,3%.

Trong khi đó, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thì không đồng tình bỏ quỹ này.

"Cá nhân tôi đề nghị nên giữ quỹ này, nhưng quản lý làm sao chặt chẽ, công bằng, hợp lý, khách quan, không để tiêu cực trong thực hiện quỹ này là một điều rất tốt", ĐB Hòa nêu.

ĐB Trương Phi Hùng (Long An) cho rằng, quỹ là kênh có thể thu hút nguồn lực xã hội trong và ngoài nước để phòng, chống HIV/AIDS trong điều kiện ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác đang gặp khó khăn. Theo ông Hùng, phát triển quỹ này là do khâu vận động.

Giải trình sau đó, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, quỹ hỗ trợ người nhiễm HIV là chính sách nhân văn nhưng từ khi có quỹ tới nay không huy động được nhiều, dù đã cố gắng.

Cạnh đó, nội dung hỗ trợ của Quỹ là chủ yếu tập trung hỗ trợ liên quan đến điều trị và cho đến thời điểm hiện nay, các chính sách của Nhà nước đã hỗ trợ và đã "bao phủ" được cho lĩnh vực này.

“Hiện nay, có thể dừng hoạt động của quỹ. Sau này, khi Bộ Y tế trình dự thảo luật phòng bệnh sẽ đưa vào một quỹ chung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý quỹ”, ông Long nói.

Miễn phí xét nghiệm HIV: Lo nguồn lực khó bảo đảm

Điểm mới nữa của dự thảo luật này là bổ sung nguồn chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai từ quỹ bảo hiểm y tế.

Theo đó, phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn được quỹ bảo hiểm y tế chi trả đối với người có thẻ bảo hiểm y tế. Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV thuộc các trường hợp khác được miễn phí.

Từ điểm cầu Cà Mau, ĐB Trương Thị Yến Linh bày tỏ băn khoăn về quy định này. “Tôi lo nguồn lực sẽ khó đảm bảo”, nữ ĐB nói.

Nhận định chính sách phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí “rất ưu việt”, song ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng lo nguồn tiền tiền thực.

Nữ ĐB đoàn Phú Thọ cho hay, ngân sách Nhà nước hằng năm cấp khoảng 120 tỷ đồng cho toàn bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong đó có xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.

Theo tính toán của ĐB Yến, có khoảng 1,6 triệu phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV hai lần trong một năm và mỗi lần xét nghiệm với là 54.000 đồng. “Như vậy, tổng kinh phí cần để xét nghiệm là khoảng trên 172 tỷ đồng. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước cấp sẽ không đảm bảo”, bà Yến nói.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước đây 100 bà mẹ mang thai dương tính thì có tới 35 cháu sinh ra bị dương tính. Sau khi triển khai các chương trình xét nghiệm cũng như điều trị thì dự phòng được cho khoảng 99,5% các cháu sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không bị dương tính.

Theo ông Long, hiện có khoảng 90% người dân đã có thẻ bảo hiểm y tế, 10% còn lại cũng như phần đồng chi trả sẽ do ngân sách Nhà nước chi trả. Nếu được Quốc hội đồng ý thì 100% phụ nữ mang thai sẽ được miễn phí trong việc xét nghiệm HIV.

“Điều này đảm bảo tính công bằng cũng như tiếp cận đối với việc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con”, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Hương Giang