Theo chương trình, kỳ họp thứ 10, tiến hành theo hai đợt. Đợt một sẽ họp trực tuyến từ ngày 20/10 đến 27/10. Đợt hai họp tập trung tại Nhà Quốc hội từ 2/11 đến 17/11.

Kỳ họp diễn ra trong lúc mưa lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, gây thiệt hại lớn kể cả về người và tài sản của nhân dân. Hiện đồng bào miền Trung và các chiến sỹ đang gồng mình chống chịu với bão lũ.

Tại buổi họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 10 chiều ngày 19/10, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong phiên trù bị, Quốc hội sẽ dành một phút mặc niệm đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Man (Thiếu tướng, Phó Tư lệnh quân khu 4) vừa hi sinh trong cuộc chỉ huy cứu hộ, cứu nạn tại miền Trung.

“Quốc hội cũng chia sẻ sự mất mát với đồng bào miền Trung, với gia đình các chiến sỹ đã hy sinh”, Tổng Thư ký Quốc hội thông tin.

Góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đảng

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự.

Quốc hội sẽ tiến hành phê chuẩn miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng.

Cùng với đó, phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ trưởng Bộ Y tế.

Người được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.

Người được giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm chức Bộ trưởng Bộ Y tế là ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ông Chu Ngọc Anh và Lê Minh Hưng đã được nhân công nhiệm vụ khác nên Quốc hội tiến hành miễn nhiệm.

Riêng nhân sự để Quốc hội xem xét phê chuẩn bổ nhiệm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hiện Thủ tướng chưa đề nghị. “Đến giờ này tôi chưa nhận được văn bản đề nghị của Thủ tướng về việc phê chuẩn bổ nhiệm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”, ông Phúc thông tin.

Quốc hội còn tiến hành phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán TAND Tối cao; bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với ông Phạm Phú Quốc, Đoàn TP Hồ Chí Minh.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận, góp ý kiến về các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Giám sát thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ

Quốc hội sẽ dành 7 ngày cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm khoảng 37% tổng thời gian của kỳ họp) để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 4 dự án luật khác.

Xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng như kế hoạch về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2021; kế hoạch tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; kết quả thực hiện nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;

Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của các cơ quan tư pháp, báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng…

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để xem xét các báo cáo và tiến hành chất vấn về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII.

“Do đây là kỳ họp cuối năm và là năm cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nên Quốc hội không tiến hành giám sát chuyên đề”, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, là kỳ họp cuối năm, cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ.

Hương Giang