Trả lời kiến nghị của cử tri mới đây, Bộ Quốc phòng thông tin, đến cuối năm 2019, 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22 tỉnh, thành (trong số 44 tỉnh, thành có biên giới của Việt Nam) với tổng vốn đầu tư gần 31 tỷ USD.

Riêng tại Đà Nẵng, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển của TP này có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc. Các lô đất này nằm tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào Sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp…

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng ngày 25/5, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề này Sở Tài nguyên Môi trường TP Đà Nẵng đã trả lời.

“Luật Đất đai đã quy định chặt chẽ, không ai cấp quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp nước ngoài cả”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và nhấn mạnh rằng, doanh nghiệp đầu thư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở.

Cũng bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình tại kỳ họp này có quy định cụ thể hoá Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó lưu ý đầu tư vào các lĩnh vực nhạy cảm, an ninh quốc phòng.

Còn liên quan đến vấn đề nhà đầu tư nước ngoài "núp bóng" thâu tóm đất đai, theo ông Dũng, chưa luật hoá trong Dự thảo Luật Đầu tư lần này, vì luật phải đảm bảo sự công bằng giữa các đối tác đầu tư.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh:  TN 

“Luật không phân biệt đối xử người này với người kia, nước này với nước kia”, Tư lệnh ngành Kế hoạch Đầu tư nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, Bộ sẽ nghiên cứu tình huống này, trình cấp có thẩm quyền ban hành chỉ thị riêng về vấn đề người nước ngoài “núp bóng” đầu tư để thâu tóm đất đai. “Nhà nước sẽ dùng các công cụ khác nhau để quản lý chặt chẽ”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thêm.

Xung quanh câu chuyện nhà đầu tư nước ngoài “núp bóng” để thâu tóm đất đai ở những vị trí đắc địa, liên quan đến an ninh quốc phòng, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nhắc lại nguyên lý cổ điển “tiên trách kỷ hậu trách nhân”.

“Chúng ta quản lý lỏng lẻo, sơ hở và kể cả tham thì họ mới vào được. Cho nên, bên cạnh xử lý theo đúng luật, thông lệ quốc tế với đối tác nước ngoài để không tạo ra sự phân biệt thì phải “trị” người trong nước tiếp tay”, ông Quốc nêu quan điểm.

leftcenterrightdel
 ĐBQH Dương Trung Quốc. Ảnh: TN

Theo ông Quốc, để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương vì là “người trực tiếp quản lý, hơn ai hết phải biết, nắm rõ tình hình”. Sau đó, mới đến các cơ quan có trách nhiệm liên quan.

Đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Nai cũng hoan nghênh báo cáo trả lời kiến nghị cừ tri của Bộ Quốc phòng đã đề cập những “thủ thuật lách luật” của nhà đầu tư nước ngoài như thông qua sở hữu cổ phần, nhờ người trong nước đứng tên… để thâu tóm đất đai.

“Những lỗ hổng này cần phải trám lại”, ông Quốc nêu rõ.

Liên quan đến Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), theo ông Quốc, đầu tư là đầu vào và không phải đầu vào nào cũng tốt nên cần sự tỉnh táo của những người có chuyên môn, trách nhiệm để chọn lọc.

“Tôi thấy nhiều địa phương chạy theo tăng trưởng, thành tích nên phê duyệt ào ạt khiến hạ tầng quá tải”, đại biểu đánh giá và cho rằng, nếu không có sự chuẩn bị về nguồn nhân lực, hạ tầng thì cuối cùng cơ hội sẽ qua đi.

Hương Giang