Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nêu quan điểm, Việt Nam mở cửa đón nhận đầu tư từ các nước trên thế giới, bao gồm cả Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo Tướng Nghĩa, các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào “vùng nhạỵ cảm quân sự” thì không đơn thuần về kinh tế. Cho nên, chúng ta phải quy định chặt chẽ để quản lý.

“Những khu vực trọng yếu, liên quan đến phòng thủ đất nước thì phải đặt yếu tố an ninh quốc phòng lên trên hết”, vị Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh nêu quan điểm.

Theo ông Nghĩa, trước đây, Bộ Quốc phòng đã bàn giao hàng nghìn ha đất (trừ những vị trí liên quan đến thế trận phòng thủ) cho các địa phương, trong đó có Đà Nẵng để phát triển kinh tế - xã hội.

"Như tôi đã nói, với các khu vực đặc biệt quan trọng như xung quanh sân bay, nơi quy hoạch khu vực phòng thủ quân sự, vùng biên giới biển thì Nhà nước phải quản lý chặt chẽ", Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh nhấn mạnh lại.

Tướng Nghĩa lưu ý, với vấn đề này, vai trò của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và quân khu rất quan trọng. Theo đó, cơ quan này phải có tư duy khu vực phòng thủ, nằm chắc mọi vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Trước việc TP Đà Nẵng khẳng định thực hiện đúng Luật Đất đai, không giao đất, cho thuê đất và cho phép nhận quyền sử dụng đất đối với các cá nhân là người nước ngoài, Thiếu tướng Nghĩa phân tích, "chúng ta cấm người nước ngoài mua đất tại Việt Nam, chỉ được mua nhà, nhưng nhà đầu tư Trung Quốc mua cổ phần doanh nghiệp trong nước không thể hiện bằng đất mà thể hiện bằng giá trị vốn, nên họ chỉ tuân thủ các quy định về mua bán phần vốn doanh nghiệp".

"Tôi có nghe một số người Trung Quốc thành lập công ty, góp cổ phần hoặc nhờ người Việt đứng tên để đầu tư đất ở các vị trí trọng yếu ven biển", ông Nghĩa nói.

Rất cần một cuộc tổng rà soát

Ông Bùi Văn Xuyền, Thường trực Ủy ban Pháp luật cho hay, thông tin người nước ngoài "núp bóng" doanh nghiệp, cá nhân trong nước để mua bán, sở hữu đất đai “đã rộ lên vài năm gần đây, chứ không phải mới”.

leftcenterrightdel
ĐBQH Bùi Văn Xuyền. Ảnh: TN 

Theo ông Xuyền, nếu người nước ngoài đưa tiền cho một người Việt đứng ra mua đất, pháp luật phải xác định quan hệ đó bản chất là gì? Về lý thuyết, hai cá nhân "hợp đồng miệng" với nhau mà không qua cơ quan pháp luật, không phù hợp với pháp luật Việt Nam thì hợp đồng vô hiệu.

“Nếu đầu tư, mua bán ngầm thì không có giá trị pháp lý nên cũng không ngại”, ông Xuyền nói.

Nhưng, Uỷ viên Uỷ ban ban Pháp luật cho rằng, lo ngại người nước ngoài "núp bóng" người Việt để sở hữu đất đai ở khu vực trọng yếu là "có cơ sở".

Do vậy, theo ông Xuyền, các cơ quan chức năng cần rà soát cả giao dịch ngầm và giao dịch công khai, cảnh báo những vấn đề có thể xảy ra cho người nước ngoài và công dân Việt Nam trong việc đầu tư, giao dịch.

Tướng Nghĩa cũng cho rằng, “rất cần một cuộc tổng rà soát của Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng liên quan về hoạt động của các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài ở khu vực biên giới, bao gồm việc đầu tư mua bán đất".

Trả lời kiến nghị của cử tri mới đây, Bộ Quốc phòng thông tin, đến cuối năm 2019, 149 doanh nghiệp có yếu tố Trung Quốc đang hoạt động ở khu vực biên giới của 22 tỉnh, thành (trong số 44 tỉnh, thành có biên giới của Việt Nam) với tổng vốn đầu tư gần 31 tỷ USD.

Riêng tại Đà Nẵng, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển của TP này có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc. Các lô đất này nằm tại các vị trí dọc các khu đô thị ven biển; ven tường rào Sân bay Nước Mặn, đường Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp….

Trước đó, đăng đàn trả lời chất vấn năm 2018, Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định trên thực tế, nước ngoài không có quyền mua đất mà chỉ có thể mua các căn hộ chung cư ở các đô thị.

“Thực tế vừa rồi, chúng tôi kiểm tra một số nơi, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan kiểm tra và hiện chưa phát hiện người nước ngoài mua đất”, Bộ trưởng Hà khẳng định và nói thêm: “Nếu các đại biểu biết thông tin về việc nước ngoài mua đất thì thông báo cho Bộ Tài nguyên Môi trường để cơ quan này tiến hành xác minh họ làm cách nào mua được”.

“Nếu mua là trái pháp luật của Việt Nam”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Hương Giang