Sáng 29/4, hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khoá XVII được tổ chức.

Tại hội nghị các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về 3 nội dung: Chương trình Hành động của Đảng bộ TP triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ TP; báo cáo kết quả tổ chức nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ TP.

Đặc biệt nội dung đáng quan tâm là Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ TP về tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Phát biểu khai mạc, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, xác định tầm quan trọng của công tác cán bộ là “công việc then chốt của then chốt, quyết định thành bại của mọi công việc”, trong những năm qua, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ.

Tuy nhiên việc này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, nhất là đứng trước tình hình thực tiễn hiện nay với nhiều việc khó, việc mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải xứng tầm.

Vì vậy, tại hội nghị Thành ủy lần thứ hai, Ban Chấp hành Đảng bộ TP đã thống nhất xây dựng và ban hành Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về công tác cán bộ.

Ông Đinh Tiến Dũng cho biết, dự thảo Nghị quyết có nhiều quan điểm, chủ trương, nội dung mới có tác động trực tiếp tới đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị các cấp của TP.

Tăng cường luân chuyển cán bộ

Trình bày tờ trình Dự thảo Nghị quyết, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho hay, mục tiêu của Nghị quyết là xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp TP có tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, gương mẫu; tư duy, khát vọng đổi mới; năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ…

Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ cán bộ trẻ diện Ban Thường vụ các cấp ủy quản lý đạt tối thiểu 15%, cán bộ nữ đạt tối thiểu 15%; 40% cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đạt trình độ thạc sỹ, tiến sỹ.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Thành uỷ, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải đảm bảo nguồn quy hoạch “động” và “mở”; đảm bảo hệ số, cơ cấu 3 độ tuổi, tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cơ cấu đúng chuyên môn đào tạo, theo vị trí việc làm, theo khối, lĩnh vực và kinh nghiệm công tác…

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm nguyên tắc luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử phải trong quy hoạch, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và khung năng lực theo quy định, cơ bản phải kinh qua lãnh đạo chủ chốt cấp dưới và hoàn thành tốt nhiệm vụ.


 Hội nghị xem xét nhiều nội dung quan trọng liên quan đến công tác cán bộ. Ảnh: Phạm Hùng

Kiên quyết không xem xét đề bạt, bổ nhiệm đối với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn điều kiện.

Đồng thời, tăng cường luân chuyển cán bộ, thực hiện luân chuyển dọc, luân chuyển ngang giữa các cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị; luân chuyển giữa các vị trí công tác trong cùng một đơn vị.

“Đến 2025, hoàn thành việc bố trí bí thư cấp uỷ cấp huyện không là người địa phương. Từng bước bố trí chức danh chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Bố trí, sắp xếp trên 50% bí thư, chủ tịch UBND cấp xã không phải là người địa phương”, ông Bảo cho hay.

Thực hiện luân chuyển, điều động cán bộ giữ chức vụ cấp trưởng quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp (giữ một chức vụ cấp trưởng đối vói cả chức danh bầu cử và bổ nhiệm liên tục từ 8 năm trở lên ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị); mở rộng đến các chức danh là cấp phó sở, ban, ngành, quận, huyện, thị để phòng ngừa tiêu cực, tránh sức ỳ, phát huy sự đổi mới, tích cực của đội ngũ cán bộ.

Bố trí công tác khác với cán bộ có biểu hiện tham nhũng

Dự thảo Nghị quyết nhấn mạnh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác cán bộ; thực hiện nghiêm các quy định về kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền; nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm tra, giám sát về công tác cán bộ; kiên quyết xem xét, giải quyết, xử lý nghiêm những cán bộ có sai phạm, tồn tại, yếu kém.

“Kiên quyết, kịp thời thay thế, điều chuyển những cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ chủ chốt sở, ban, ngành, quận, huyện, thị thiếu tập trung, quyết liệt trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; để địa phương, đơn vị phát triển không tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của TP; tín nhiệm thấp, dĩ hòa vi quý, bè cánh gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ, có sai phạm nhưng chưa đến mức bị kỷ luật; dư luận cán bộ đảng viên và đơn thư phản ánh tiêu cực không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm, đến tuổi nghỉ hưu” - tờ trình nêu rõ.

Ngoài ra, xem xét bố trí công tác khác đối với cá nhân có biểu hiện suy thoái, cơ hội chính trị, tham nhũng, tiêu cực, uy tín giảm sút dù cơ quan chức năng chưa kết luận có sai phạm; tạm dừng việc thực hiện các nội dung trong công tác cán bộ trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Bên cạnh đó, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Hải Hà