Thừa uỷ quyền của Thủ tướng, trình bày báo cáo về công tác PCTN, Tổng Thanh tra Lê Minh Khái cho hay, năm 2020, tham nhũng được kiềm chế, từng bước ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm.

Song, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, có biểu hiện tinh vi hơn và khó phát hiện; vụ, việc tham nhũng được phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hiện nay.

Chính phủ dự báo nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc để vụ lợi “tham nhũng vặt” ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn diễn ra ở một số bộ, ngành, địa phương.

“Quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, tín dụng - ngân hàng, quản lý sử dụng tài chính, ngân sách, vốn và tài sản công tiếp tục là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, có thể gia tăng một số vụ việc với mức độ tinh vi hơn”, ông Lê Minh Khái nêu rõ. 

Có hay không doanh nghiệp “sân sau” của một vài người?

Nêu ý kiến, đại biểu (ĐB) Phạm Văn Hoà đánh giá, công tác PCTN đạt được nhiều kết quả rõ nét để lại dấu ấn rất tốt.

“Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng giảm, tạo niềm tin tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần làm lành mạnh, trong sạch bộ máy của cả hệ thống chính trị”, ông Hoà nói.

Dù vậy, ĐB đoàn Đồng Tháp lo lắng khi “lợi ích nhóm”, “sân sau” vẫn tồn tại, thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp. Nhất là, vẫn xảy ra tham nhũng tại các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Tư pháp cũng lưu ý, vẫn còn tình trạng người có chức vụ, quyền hạn “bảo kê”, bao che cho các hành vi vi phạm pháp luật.  

Thậm chí, có trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng, điển hình là vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội.

Theo kết quả điều tra, các can phạm đã nâng khống giá thiết bị y tế lên gấp nhiều lần giữa lúc cơn đại dịch đang bùng phát rất mạnh. Hiện các cơ quan chức năng đang hoàn tất các trình tự thủ tục ở giai đoạn cuối cùng.

Từ điểm cầu Đà Nẵng, ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị, điều tra làm rõ có hay không có việc 5 doanh nghiệp có chức năng nhập khẩu và phân phối thiết bị y tế hình thành một mặt bằng giá để đẩy CDC của các địa phương vào tình trạng buộc phải mua với giá “cắt cổ” vì không còn con đường nào khác.

“Những doanh nghiệp đó là ai? Có phải là sân sau của một vài người? Tại sao những loại thiết bị y tế đặc biệt quan trọng này Nhà nước không nắm giữ, kiểm soát để điều tiết, phục vụ cho công tác khám chữa bệnh, để cho dân nhờ”, ĐB Sơn nêu.

ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng phản ánh việc cử tri lên án gay gắt và đề nghị Chính phủ, các ngành chức năng xử lý nghiêm minh hành vi vi phạm pháp luật của đơn vị mua vật tư, trang thiết bị y tế đã “nâng khống” giá để trục lợi.

Xử nghiêm cán bộ bao che cho vi phạm

Để công tác PCTN hiệu quả hơn nữa, theo ĐB Phạm Văn Hoà, bên cạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật để công chức, viên chức “không dám, không muốn, không ham” thì xử lý tham nhũng “không có vùng cấm” sẽ có tác động rất tích cực trong phòng ngừa, ngăn chặn.

“Cần tăng cường thanh tra, kiểm toán tất cả các lĩnh vực, nhất là những vấn đề nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng. Cán bộ thanh tra, kiểm toán phải thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực thi công vụ, không bị áp lực hoặc vì lý do khác nhau mà bỏ qua sai sót nghiêm trọng của tổ chức, cá nhân sai phạm”, ông Hoà nêu.

ĐB Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) thì đề nghị hoàn thiện chế tài ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm kinh tế, tham nhũng, lãng phí, kiên quyết thu hồi tài sản do chiếm đoạt tham nhũng mà có.

“Cần kịp thời công khai rộng rãi cho cử tri và nhân dân biết những vụ việc nghiêm trọng đã và đang xử lý”, nữ ĐB nói.

Theo bà Thuỷ, cử tri còn kiến nghị xử lý nghiêm minh, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và thanh tra chuyên ngành nếu để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, kéo dài, có dấu hiệu nhũng nhiễu hay bao che sai phạm, kể cả sai phạm trong công tác cán bộ thời gian qua.

leftcenterrightdel
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn. Ảnh: TN 
 

“Cần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra của người đứng đầu và công tác tự kiểm tra của cơ quan, đơn vị đối với việc chấp hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ công vụ của cán bộ, công chức, viên chức nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng ngay từ trong nội bộ cơ quan, đơn vị”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn (ĐBQH đoàn Tiền Giang) phát biểu sau đó.

ĐB đoàn Tiền Giang còn đề nghị, thực hiện có hiệu quả các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Theo ông Sơn, “cần quản lý, kiểm tra, xác minh, xử lý hành vi kê khai tài sản, thu nhập không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không rõ ràng, trung thực”.

Đề nghị đánh giá tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”

Từ năm 2019, Ủy ban Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành đánh giá, nhận diện về tình trạng “tham nhũng vặt”, tham nhũng dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng để có giải pháp phòng, chống; tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp.

“Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện các kiến nghị trên của Ủy ban Tư pháp”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; tập trung chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thanh tra, kiểm toán để xử lý sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng thanh tra, kiểm toán một số lĩnh vực có nguy cơ phát sinh tham nhũng cao.

 

Xuất hiện các hành vi mua bán thông tin cá nhân

ĐB Đinh Công Sỹ (Sơn La) cho hay, gần đây khi nhân dân miền Trung oằn mình chống lũ, bên cạnh những tấm gương thiện nguyện thì có những kẻ mạo danh từ thiện, lợi dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

"Vô nhân đạo hơn là chiếm đoạt tài sản của chính cả người nhà của các nạn nhân lũ lụt, gây bức xúc trong dư luận và trong nhân dân", ông Sỹ nêu.

Bên cạnh đó, hiện tượng phản ánh không chính xác các sự kiện, vụ việc với những hình ảnh, lời bình sai lệch, dẫn dắt dư luận theo ý đồ riêng diễn ra khá nhiều.

Ông Sỹ cho rằng, mức xử phạt hiện này chưa tương xứng với những hậu quả về mặt xã hội cũng như hậu quả về mặt tinh thần gây ra cho cộng đồng hay cá nhân.

ĐB Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) cũng lưu ý, chế tài xử lý hành vi đánh cắp thông tin dữ liệu cá nhân chưa đủ sức răn đe, nên đã xuất hiện các hành vi thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân.

Theo nữ ĐB, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều người, dẫn tới nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Vụ việc 3 ngân hàng tại Phú Thọ bán thông tin của 50 công ty, doanh nghiệp cho nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hay sự cố rò rỉ 2 triệu dữ liệu khách hàng của một ngân hàng mà báo chí đã đưa tin và còn rất nhiều vụ việc khác nữa đã xảy ra, ĐB dẫn chứng và đề nghị, hoàn thiện khung pháp lý, quy định cụ thể về bảo mật thông tin cá nhân.

Hương Giang